Mô hình kinh tế Những lưu ý trong chăm sóc lúa vụ mùa

Những lưu ý trong chăm sóc lúa vụ mùa

Ngày đăng 31/07/2015

Những lưu ý trong chăm sóc lúa vụ mùa

Hiện tại, các trà lúa cấy vào trung tuần tháng 6 đang ở giai đoạn cuối thời kỳ đẻ nhánh, các diện tích cấy sau bị hạn, lúa phát triển chậm, đẻ nhánh kém. Để lúa phát triển thuận lợi, đạt được năng suất theo yêu cầu, cần lưu ý đến các vấn đề sau:

- Đối với diện tích lúa gieo sạ: Khẩn trương chắm dặm kịp thời để bảo đảm mật độ, duy trì mực nước trong ruộng từ 2 - 3cm, khi cây được 4 - 5 lá tổ chức bón thúc đẻ nhánh với lượng từ 4 - 5kg urê/sào, kết hợp làm cỏ sục bùn để lúa đẻ nhánh thuận lợi.

- Đối với những diện tích lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh bị khô hạn, cây lúa đẻ nhánh kém, lá lúa chuyển vàng, khi có nước cần bón bổ sung 3 - 4kg urê/sào, kết hợp làm cỏ sục bùn để cây lúa phục hồi xanh trở lại, tiếp tục quá trình đẻ nhánh hoặc có thể sử dụng phân bón qua lá để phun bổ sung dinh dưỡng.

- Đối với những diện tích lúa đã đẻ kín hàng, đạt được số nhánh cần thiết có thể tiến hành đưa nước vào ruộng từ 7 - 10cm để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu sau đó rút nước phơi ruộng để bộ rễ ăn sâu, chống đổ tốt, giúp ruộng lúa thông thoáng, hạn chế sâu bệnh. Khi cây lúa bắt đầu chuyển sang giai đoạn làm đòng, tiến hành đưa nước vào ruộng 5 - 7cm, tổ chức bón phân đón đòng cho lúa kịp thời để đạt được nhiều hạt, nhiều gié, hạt to, mẩy. Lượng bón chủ yếu là kali từ 5 - 6kg, tùy theo thực trạng của ruộng lúa để bón bổ sung thêm 1 - 3kg urê/sào 500m2 cho phù hợp. Khi bón nên giữ mực nước nông, thời điểm bón vào buổi chiều mát, lặng gió để tránh kali bám dính trên lá.

- Đối với sâu bệnh hại: Sâu đục thân 2 chấm: Quan tâm phòng trừ lứa 4, lứa 5 (lứa 4 phát sinh từ đầu đến giữa tháng 8, gây hại trên lúa mùa sớm và chính vụ giai đoạn làm đòng - trổ; lứa 5 phát sinh từ đầu đến giữa tháng 9 gây hại nặng cho trà lúa trổ muộn). Chỉ phun khi mật độ ổ trứng từ 0,25 - 0,5 ổ/m2 (giai đoạn đẻ nhánh) và 0,15 - 0,3 ổ trứng/m2 (giai đoạn làm đòng – trổ bông) và phun sau khi bướm rộ 5 - 7 ngày hoặc sâu non tuổi 1 ra rộ.

+ Sâu cuốn lá (SCL) nhỏ: Quan tâm phòng trừ SCL lứa 5 và lứa 6 (lứa 5 phát sinh cuối tháng 7 đến tháng 8 tập trung gây hại nặng cho lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng và trổ bông; lứa 6 phát sinh cuối tháng 8 đầu tháng 9). Ở giai đoạn đẻ nhánh trên diện tích lúa có mật độ SCL thấp (dưới ngưỡng phòng trừ, mật độ < 50 con/m2): Cần tuyên truyền cho nông dân yên tâm không phun thuốc trừ sâu đồng loạt, vì cây lúa trong giai đoạn đẻ nhánh có khả năng đền bù lá cao; khi mật độ SCL nhỏ cao (vượt ngưỡng phòng trừ, mật độ > 50 con/m2): Cần phun trừ kịp thời sau khi bướm rộ 5 - 7 ngày hoặc khi sâu non tuổi 1 bằng các thuốc đặc trị và ít độc đối với môi trường sinh thái.

+ Đối với rầy nâu: Tránh việc phun thuốc đồng loạt, chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khi mật độ rầy từ 750 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc đặc hiệu.

+ Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Thường xuất hiện sau những đợt mưa bão, giông gió trên các giống lúa lai và lúa thuần Trung Quốc, đặc biệt trên những ruộng bón thừa đạm, thân lá phát triển xanh lướt. Sau mưa giông 5% số lá bị bệnh, cần phun trừ triệt để bằng các loại thuốc đặc hiệu theo liều khuyến cáo.

- Sử dụng các loại thuốc BVTV diệt trừ sâu bệnh hại phải theo hướng dẫn của Chi cục BVTV và trạm BVTV huyện. Tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV. Tuyệt đối không mua bán những loại thuốc BVTV bị cấm, thuốc giả, kém chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc ngoài danh mục, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, nhãn không rõ ràng hoặc không nhãn và những thuốc trên bao bì không ghi đầy đủ rõ ràng về cách sử dụng.


Tăng thêm 300 ha qui hoạch trồng lúa Nàng Nhen Bảy Núi Tăng thêm 300 ha qui hoạch trồng lúa… Bình Định nuôi cá tự phát ở huyện Hoài Nhơn gây ô nhiễm môi trường Bình Định nuôi cá tự phát ở huyện…