Những lưu ý trong úm gà khi thời tiết giao mùa
Sau khi bán gà Tết là lúc bà con chuẩn bị vào lứa tiếp theo, song lúc giao mùa này lại là cao điểm dịch bệnh đòi hỏi người chăn nuôi lưu ý phòng, tránh.
Úm gà là công đoạn quan trọng đầu tiên để quyết định đến thành công của lứa gà sau này. Ảnh: Đăng Quân.
Theo ông Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco giai đoạn úm được tính từ khi gà con mới nở 1 ngày tuổi đến khoảng 30 ngày tuổi, đây là thời điểm gà nhạy cảm với thời tiết và dịch bệnh nhất.
Do đó, khâu chuẩn bị chuồng trại, nguồn nhiệt, thức ăn, vacxin, thuốc bổ, thuốc kháng sinh…đóng vai trò quan trọng quyết định đến thành bại của đàn gà xuất bán sau này.
Chuồng trại
Theo ông Phán, khi cất chuồng gà nên chú ý chọn khu đất bằng phẳng, cao ráo, thoáng mát, xa khu dân cư đông đúc và khu có mật độ chăn nuôi cao, có nguồn nước sạch và đầy đủ.
Nên cất chuồng theo hướng Đông - Tây hoặc Đông Bắc - Tây Nam, cửa chính hướng Đông Nam để hứng được ánh sáng, gió mát và tránh được nắng chiều và gió lạnh từ hướng Đông Bắc thổi tới.
Các tỉnh miền Bắc vào mùa đông nền nhiệt thấp nên làm hệ thống tạo nhiệt kiểu bếp “Hoàng Cầm” giúp giảm chi phí nhiệt úm gà, nền chuồng luôn khô và ấm.
An toàn sinh học, vệ sinh sát trùng luôn là cốt lõi trong công tác phòng bệnh. Sân chơi nên được quét dọn, khử trùng thường xuyên.
Sau mỗi lứa nuôi, chuồng nên được dọn vệ sinh, xông chuồng bằng thuốc sát trùng như Formades, thuốc sát trùng hoạt phổ rộng, tiêu diệt được hầu hết các loại vi khuẩn, virus và nấm bệnh.
Sau đó để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi vào gà nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ dịch bệnh từ lứa gà trước mang lại.
Trong quá trình nuôi nên phun sát trùng trong chuồng bằng các thuốc như IF-100 có chứa Iodine với tần suất 1 -2 lần/ tuần. Trong quá trình nuôi, xử lý chất độn chuồng bằng men vi sinh như Eco Farm giúp giảm thiểu khí độc, mùi và công dọn phân.
Thú y phòng bệnh
Với kinh nghiệm gắn bó hàng chục năm qua với người chăn nuôi gà, ông Phán nhận thấy, ngoài các yếu tố về chuồng trại vacxin và thực hiện tốt an toàn sinh học, vệ sinh sát trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh là những vũ khí mạnh giúp người chăn nuôi bảo vệ đàn gà trước dịch bệnh và các yếu tố bất lợi.
Việc lựa chọn và sử dụng vacxin, nên dùng từ hãng có uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như dòng vacxin Medivac và qui trình sử dụng nên phù hợp theo dịch tễ, đặc điểm bệnh của từng vùng và nên có sự tư vấn của bác sỹ thú y.
Với những ngày thời tiết lạnh, nếu phải làm vacxin, cần thao tác nhanh, đảm bảo nhiệt độ quây úm duy trì ổn định.
Bên cạnh việc tuân thủ đúng lịch trình vacxin trong quá trình úm gà cần bổ sung thêm vitanmin, thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho gà trong những ngày thời tiết giao mùa.
Thức ăn và các thuốc bổ sung
Trước khi gà về, các dụng cụ như máng ăn, máng uống, thiết bị trong chuồng cần được vệ sinh sạch sẽ cũng như tính toán số lượng phù hợp với số lượng gà.
Giai đoạn 1 đến 2 tuần tuổi, gà con chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt và hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, vì vậy bật hệ thống cấp nhiệt trước khi gà về 1- 2 giờ đảm bảo nhiệt độ trong chuồng đạt 37 độ C, pha sẵn một số sản phẩm bổ trợ cung cấp đạm thủy phân, khoáng, men chất lượng cao cho đàn gà vào nước uống như Amivit, Calcivite H, All-zym,… giúp đàn gà nhanh chóng hồi phục sau vận chuyển, tăng sức chống chịu với các yếu tố stress, tăng trọng nhanh, nên sử dụng liên tục ít nhất trong 5-7 ngày đầu tiên cho đến hết thời gian úm
Ngoài ra, giai đoạn úm là giai đoạn gà dùng rất nhiều loại vacxin (Newcastle, IB, Gumboro…), cần đảm bảo thao tác nhẹ nhàng, bổ sung thuốc bổ như Escent L trước và sau khi dùng vacxin 2-3 ngày tăng cường khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gà và gia tăng hiệu quả của vacxin.
Lưu ý, giai đoạn chuyển mùa biên độ nhiệt ngày đêm lớn, trong suốt giai đoạn úm gà bà con có thể bổ sung thêm cho gà một số loại thuốc kháng sinh đơn cử như Superdoxy 50% giúp chống các vi khuẩn cơ hội gây hại cho gà.
Úm gà luôn là giai đoạn không dễ dàng và đặc biệt vào thời điểm giao mùa càng là thách thức không nhỏ, vì vậy bà con cần nắm được các lưu ý kỹ thuật trong phòng bệnh nhằm tối ưu năng suất chăn nuôi và giảm thiểu tối đa những thiệt hại không đáng có.
Các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia cầm
Các tỉnh phía Bắc thời tiết diễn biến rất phức tạp, rét đậm rét hại gây thiệt hại cho đàn gia cầm, cần tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng.
Đối với chuồng trại, vườn chăn thả gia cầm: Yêu cầu có hố sát trùng luôn chứa vôi, hóa chất sát trùng mới. Cần giữ cho chuồng trại luôn khô ráo, che chắn mưa tạt, gió lùa. Tăng cường đệm lót sạch cho đàn gia cầm, bổ sung chế phẩm sinh học trong đệm lót chuồng. Bổ sung thêm bóng đèn sưởi trong chuồng. Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi.
Thức ăn luôn sạch sẽ, không bị nấm mốc, đủ dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển đàn gia cầm. Bổ sung thêm các chế phẩm, vitamin để tăng cường sức đề kháng cho đàn gia cầm. Sử dụng nước uống sạch, không dùng nước nước ao hồ tù đọng hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao.
Thực hiện tiêm phòng vacxin đầy đủ theo lịch đối với từng loại gia cầm, đặc biệt tiêm phòng vacxin cúm gia cầm, Newcastle và Gumboro. Phải thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Dự trữ thêm thức ăn và chế phẩm làm sạch nước phòng khi rét đậm rét hại trong thời gian lâu ngày.
TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ