Mô hình kinh tế Những Nông Dân Dân Tộc Thiểu Số Năng Động Làm Giàu

Những Nông Dân Dân Tộc Thiểu Số Năng Động Làm Giàu

Ngày đăng 27/02/2014

Những Nông Dân Dân Tộc Thiểu Số Năng Động Làm Giàu

Không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nông dân dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tự mình vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, cùng góp sức xây dựng quê hương.

Gia đình anh Điểu Ngót, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) hiện đang hoàn thành căn nhà xây khang trang trị giá hơn 500 triệu đồng mà như anh cho biết là do dành dụm được từ trồng điều, cà phê và tiêu.

Anh Điểu Ngót cho biết: “Năm 1995, sau khi xuất ngũ, tôi vừa làm kinh tế gia đình, vừa tích cực tham gia công tác xã hội, đảm trách nhiều nhiệm vụ ở xã. Tôi luôn tự nhủ mình phải chịu khó làm ăn để bà con, nhất là người dân tộc thiểu số tin tưởng làm theo. Nhờ được tập huấn kỹ thuật nên tôi biết cách chăm sóc cây trồng hơn.

Ở những vườn điều có năng suất, tôi tập trung thâm canh còn những diện tích kém hiệu quả thì chuyển sang trồng cà phê và tiêu. Hiện tại, gia đình tôi có gần 3 ha cà phê và 1,5 ha tiêu, bình quân mỗi năm mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn 250 triệu đồng”.

Tương tự, gia đình ông Điểu Phi Ong ở xã Đắk R’tíh cũng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ biết làm ăn. Ông Điểu Phi Ong cho biết: “Hơn 10 năm trước, do chưa biết cách làm kinh tế nên gia đình tôi thuộc diện đói nghèo.

Năm 2000, được vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã tập trung cải tạo vườn điều và chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang trồng cà phê, cao su. Hiện bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu được 7 tấn cà phê nhân, 4 tấn điều và hơn 5 tấn mủ cao su, trừ chi phí đầu tư còn lãi hàng trăm triệu đồng.

Tôi đã tích lũy xây được nhà, giờ chỉ lo cho các con ăn học, tiền dư dả thì gửi tiết kiệm ngân hàng. Tôi dự định đầu năm 2014 sẽ tiếp tục chuyển đổi 3 ha điều già cỗi sang trồng tiêu và cao su để nâng cao thu nhập. Nếu biết tính toán làm ăn, biết chi tiêu hợp lý thì vấn đề làm giàu hoàn toàn không khó”.

Còn gia đình ông Lâm Vân Long, bản Đắk Lép, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) cũng có thu nhập mỗi năm gần 400 triệu đồng.

Ông Long cho biết: “Mình là người dân tộc phía Bắc vào định cư được hơn 20 năm nay. Ban đầu, mình không biết làm cà phê, tiêu đâu mà chỉ trồng bắp, sắn thôi. Do làm ăn manh mún nên kinh tế gia đình cứ nghèo khó mãi. Sau này, được tham gia các lớp tập huấn về trồng cà phê, tiêu, mình bắt đầu trồng và thực hành theo hướng dẫn nên có nguồn thu nhập ổn định. Bây giờ, mình đã có hơn 3 ha cà phê, 200 trụ tiêu, do làm đúng kỹ thuật nên năng suất năm nào cũng đạt cao”.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tích cực trao đổi kinh nghiệm, chỉ bảo cách làm ăn, những kỹ thuật tiên tiến cho những người dân trong bản. Nhờ đó, nhiều gia đình cũng đã áp dụng tốt vào thực tiễn sản xuất và có thu nhập khá, ổn định.

Có thể nói, với tinh thần, ý chí vượt lên thoát khỏi đói nghèo, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang tích cực chăm chỉ học hỏi kỹ thuật, nâng cao kiến thức, xóa bỏ dần lối làm ăn thụ động, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như trước đây, cùng quyết tâm vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.


Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thịt J Dabaco Đạt Hiệu Quả Cao Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thịt J Dabaco… Thêm 2 Sản Phẩm Được Chứng Nhận VietGap Ở Đắk Nông Thêm 2 Sản Phẩm Được Chứng Nhận VietGap…