Mô hình kinh tế Những Nông Dân Vàng Xứ Quảng

Những Nông Dân Vàng Xứ Quảng

Ngày đăng 14/10/2014

Những Nông Dân Vàng Xứ Quảng

Bằng tâm huyết, sự cần cù, chịu khó, nhiều hội viên nông dân đã thành công với các mô hình sản xuất hiệu quả. Không những thế, tấm lòng của họ thật đáng quý biết bao!

Đi tiên phong làm kinh tế

Về vùng đất vốn dĩ khô cằn thôn Trung Lý, xã Phổ Vinh (Đức Phổ), chúng tôi lấy làm ngỡ ngàng khi đứng trước vườn thanh long đang mùa chín rộ của ông Nguyễn Tăng Mậu.

Bước tới một trụ thanh long đầy trái chín, nâng từng trái thanh long lên, lấy tay vuốt nhẹ từng tai của quả, ông Mậu giải thích: “Vuốt tai là làm cho tai của trái thanh long giữ được màu xanh, đẹp. Có vậy giá bán mới cao được.”.

Ông Mậu vui vẻ cho hay: Cơ duyên đưa ông đến với nghề trồng thanh long ruột đỏ thật tình cờ. Cách đây 4 năm, số là một lần xem chương trình “Đấu trường 100, khi MC Thái Tuấn đưa câu hỏi “Thanh long ruột đỏ được trồng đầu tiên ở Việt Nam là ở địa phương nào?”.

Dường như câu trả lời mà hầu hết người chơi và cả ông cũng “chắc nịch” là Ninh Thuận vì nghĩ đây là xứ sở của thanh long, bất ngờ MC đọc câu trả lời là Đồng Nai. Thấy nó khá hấp dẫn, ông đã tìm hiểu kỹ thuật trồng qua mạng và quyết định lặn lội vào Đồng Nai để học cách trồng với hy vọng đổi đời ngay trên vùng đất bạc màu này.

Một tháng ở đất khách học việc, ông Mậu quyết định về quê khởi nghiệp khi trong tay có 80 cây giống. Ông mạnh dạn chặt phá vườn dừa vốn gắn bó cả đời với mình, nhưng chẳng mang lại nhiều lợi nhuận. Ban đầu, ông cũng rất lo lắng, nhất là vợ ông với tư duy cũ luôn phàn nàn, bảo ông dở hơi, nhưng với bản chất của người lính cụ Hồ, ông vẫn quyết tâm.

Đất không phụ người, sau gần 4 năm trồng, đến nay mảnh vườn rộng 600m2 có 200 gốc thanh long, với giá bán hơn 20 nghìn đồng/kg ngày thường, dịp lễ, tết giá tăng gấp rưỡi, gấp đôi, ông Mậu có thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng. Từ một diện tích rất nhỏ đã mang lại hiệu quả lớn. Đây được xem là bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, từng bước mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Ở cái tuổi 55, ông Lê Tuấn Phát, ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức) sở hữu khối tài sản là rừng gỗ quý lên đến hàng chục tỷ đồng.

Học xong lớp 10, nhà nghèo, anh em đông, đành nghỉ học xin làm công nhân cho hợp tác xã chế biến gỗ La Hà rồi sau đó làm công nhân cho xí nghiệp mộc Quảng Ngãi. Mặc dù chỉ là người thu gom gỗ cho xí nghiệp, ông mê tít những cánh rừng bạc ngàn, ngút tầm mắt, cây người ôm không xuể.

Năm 1994, Công ty vật tư nông nghiệp Mộ Đức giải thể một xưởng gỗ ở xã Đức Chánh. Nhìn xa trông rộng, ông quyết định vay mượn mua lại xưởng gỗ. Những ngày vượt qua hàng trăm cây số đi mua gỗ ở những cánh rừng Tây Nguyên, tận mắt nhìn thấy rừng bị đốn hạ, bụng thầm nghĩ, thế nào cũng có ngày những cây rừng gỗ quý cũng “tuyệt chủng”.

Ý nghĩ trồng rừng gỗ quý chợt thoáng qua để rồi năm 2003, ông quyết định sang lại 3,6ha đất dưới chân núi Vom để trồng rừng và cây ăn quả. Lúc đó ai cũng bảo ông “khùng”.

Cùng với trồng rừng, ông Phát còn tham gia sản xuất, chế biến gỗ và làm tôn xà gồ. Đến nay, tổng thu nhập hằng năm của ông Phát đạt 6,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Ông Phát còn mua bảo hiểm y tế để họ an tâm gắn bó với mình. Mỗi năm trừ chi phí, lợi nhuận ông mang về cho gia đình đến 300 triệu đồng.

Tấm lòng vàng

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền, những nông dân này còn tích cực xây dựng và đóng góp cho phong trào hội tại địa phương, giúp đỡ gia đình hội viên nghèo trong sản xuất.

Ông Mậu yêu vườn thanh long ruột đỏ của mình và lâu rồi luôn mong nhiều bà con làm theo mình. Dân gian có câu “Buôn có bạn, bán có phường”, ông Mậu thấu hiểu ý nghĩa sâu xa mà thực tế của câu nói ấy.

Ông bảo: Hàng của mình dù được nhận đặt hàng từ các tỉnh khác, nhưng ít quá chỉ đủ bán ở chợ Đức Phổ và các chợ quê lân cận. Tới rằm, mùng một, tết không có mà bán. Mình sẵn sàng chỉ nghề để nhiều người cùng làm, cùng xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ xã Phổ Vinh.

Với suy nghĩ ấy, ai tới mua giống, ông đều bán giá rất mềm và không giấu nghề. Mỗi cây giống trên thị trường 8 nghìn đồng/cây, ông chỉ lấy bà con 5 nghìn đồng còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Hiện nay, ông Mậu cũng là người cung cấp giống cho nhiều mô hình thanh long ruột đỏ khắp nơi trong tỉnh.

Với ông Phát thì tấm lòng thật đáng trân trọng biết bao! Không chỉ làm giàu cho bản thân, những năm qua, người dân ở địa phương luôn kính trọng ông bởi tấm lòng với người nghèo, góp sức xây dựng quê hương.

Ông ủng hộ cả trăm triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà tình thương, xây dựng giao thông nông thôn, ủng hộ Qũy vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, mua thẻ bảo hiểm cho người nghèo, xây dựng giao thông nông thôn, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam…

Với ý chí, nghị lực và tấm lòng của mình, vừa qua, ông Phát là một trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu được tôn vinh danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc toàn quốc 2014”.


"Cơn Lốc" Bỏ Cao Su, Trồng Sắn Mô Hình Chuyển Đổi Đất Trồng Lúa Kém Hiệu Quả Sang Trồng Cỏ Nuôi Dê Sinh Sản Mô Hình Chuyển Đổi Đất Trồng Lúa Kém…