Mô hình kinh tế Những Nông Dân Vượt Khó, Vươn Lên Làm Giàu

Những Nông Dân Vượt Khó, Vươn Lên Làm Giàu

Ngày đăng 28/07/2014

Những Nông Dân Vượt Khó, Vươn Lên Làm Giàu

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được nông dân huyện Cao Lãnh tích cực hưởng ứng. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính đôi tay, khối óc của mình.

Sản xuất kinh doanh hiệu quả

Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, hoàn cảnh khó khăn nên cậu bé Lộc đành phải nghỉ học sớm, làm nghề nông. Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời đối với chàng trai Lâm Bá Lộc (ấp Bình Linh, xã Bình Thạnh) là khi anh chuyển đổi sang mô hình mua bán, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Anh Lộc tâm sự: “Sau nhiều lần thất bại với nhiều nghề bán trái cây, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, tôi phải đi làm mướn đủ nghề để kiếm sống. Tình cờ trong chuyến chở mướn vật liệu xây dựng cho khách hàng, nhận thấy mặt hàng này vốn lúc đầu cũng ít nhưng lợi nhuận thu được khá nên tôi mở cơ sở làm thử và thu được hiệu quả”. Khởi nghiệp với 200 triệu đồng, từ năm 2006 đến nay cơ sở vật liệu xây dựng của chàng trai trẻ 39 tuổi đã nâng số vốn gần 1 tỷ đồng, thường xuyên có 3-4 lao động là thanh niên tại xã với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng (ăn theo sản phẩm).

Ngoài kinh doanh vật liệu xây dựng, anh Lộc còn làm thêm nghề thu mua xoài và nhãn ở vùng Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh để cung cấp cho các vựa trái cây ở Sài Gòn, với số lượng thu mua trung bình từ 400 – 600 kg/ngày (thời điểm trái cây hút hàng khoảng 1.000 kg/ngày). Anh Lộc tâm sự: Sở dĩ tôi chọn thu mua tại đây vì chất lượng trái cây ở vùng đất cồn này rất ngon, lại có quanh năm nên không sợ thiếu hàng. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp và chưa tìm đầu ra ở thị trường nước ngoài nên số lượng thu mua cho người dân còn hạn chế.

“Tôi rất muốn tìm đầu ra cho trái cây nơi đây bởi nếu có đầu ra ổn định, bán được giá cao thì mới thu mua giá cao cho người dân. Tuy nhiên, điều này cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền để đẩy mạnh xúc tiến giới thiệu sản phẩm, đưa đặc sản của vùng Đồng Tháp được vươn xa” - anh Lộc chia sẻ.

Khai thác tiềm năng đất quê để làm giàu

Quá trình làm giàu của thanh niên Bùi Nhật Linh, ấp 2, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh có xuất phát điểm khá hơn. Lập gia đình khi mới ngoài 20 tuổi, được gia đình cho ra ở riêng với tài sản là 5 công đất ruộng.

Điều kiện ban đầu tương đối ổn, vợ chồng anh Linh tập trung trồng lúa phục vụ đời sống, thế nhưng do đất xấu, lúa đạt năng suất thấp, cuộc sống gia đình vẫn khó khăn. Làm ruộng không đủ ăn, anh chuyển sang buôn bán thức ăn gia súc, gia cầm nhưng vẫn không hiệu quả. Nhận thấy quê mình có tiêm năng về sản xuất nông nghiệp, năm 2006, anh Linh mạnh dạn vay vốn để mở đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân.

Anh cho biết: “Khi mới mở đại lý, tôi gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là nguồn vốn để đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”. Khó khăn là vậy, song với vốn kiến thức tự học hỏi, tích lũy được từ các lần đi tham quan các mô hình đại lý ở trong và ngoài tỉnh, cùng ý chí vươn lên làm giàu, từ số vốn ban đầu 200 triệu đồng đến nay quy mô đại lý của anh ngày càng lớn, với tổng số vốn đầu tư lên đến 3 tỷ đồng. Hiện đại lý của anh cung cấp vật tư nông nghiệp cho hơn 200 hộ dân trong và ngoài xã.

Không chỉ biết tính toán làm ăn, anh Linh còn là gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiệt huyết trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương với mô hình thâm canh trồng mè trên đất lúa. Đặc biệt, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ thanh niên, nông dân trong phát triển kinh tế. Anh Lập xứng đáng là một tấm gương thanh niên tiêu biểu trên lĩnh vực phát triển kinh tế của địa phương.

Giáo viên Phạm Hồng Khuê dạy giỏi, làm kinh tế hay

Là giáo viên dạy môn địa lý tại trường THCS Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh), nhưng do gia đình đơn chiếc, anh Phạm Hồng Khuê vừa công tác ở trường vừa phụ giúp gia đình làm kinh tế. Nhận thấy cây xoài không còn mang lại hiệu quả kinh tế, anh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc cây ổi nữ hoàng, nhờ đó đã nâng cao thu nhập cho gia đình.

Anh Khuê cho biết: “Giống ổi nữ hoàng có ưu điểm trái giòn, có vị ngọt đậm, hình thức trái đẹp được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, cây rất dễ trồng và cho lợi nhuận cao gấp mấy lần so với trồng xoài hay làm lúa. Mấy năm trước thấy xoài luôn bị mất giá, được người quen hướng dẫn, tôi mua giống ổi nữ hoàng về trồng. Ban đầu chỉ trồng thử nghiệm vài chục gốc, đến nay vườn tôi có hơn 2.000 gốc ổi.

Mới chỉ có 2 năm trồng ổi nhưng hiệu quả kinh tế đã thấy rõ. Năm 2013, vụ đầu tiên, anh Khuê bán cây giống, thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Nhờ trồng ổi cao sản cộng với tiết kiệm chi tiêu, anh Khuê có điều kiện xây dựng ngôi nhà trị giá hơn 500 triệu đồng. Thời gian tới, anh dự định bán ổi trái cho Siêu thị Coopmart TP.Hồ Chí Minh, nếu thấy hiệu quả anh sẽ mở điểm thu mua ổi nữ hoàng của bà con trong vùng, làm đầu mối cung cấp ổi này cho siêu thị.

Vừa là giáo viên gương mẫu, hết lòng vì học sinh lại còn làm kinh tế giỏi, tấm gương cần cù, chịu khó vươn lên của anh Phạm Hồng Khuê là bài học lập thân lập nghiệp đối với nhiều thanh niên địa phương.


Sạt Lở Đê Bao Vùng Mía Sạt Lở Đê Bao Vùng Mía Ký Hợp Đồng Bao Tiêu 800 Ha Lúa Của Hợp Tác Xã Bình Thành Ký Hợp Đồng Bao Tiêu 800 Ha Lúa…