Những Trở Ngại Trong Phát Triển Kinh Tế Trang Trại
Mặc dù kinh tế trang trại (KTTT) ở Quảng Trị trong những năm qua có chuyển biến, song mô hình hình kinh tế này vẫn chậm phát triển, các chỉ tiêu phát triển sản xuất bình quân ở trang trại còn thấp và tăng trưởng chậm qua các năm. Sự chậm phát triển này có nhiều nguyên nhân như thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu các chính sách đầu tư từ phía nhà nước...
Chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, trình độ quản lý kém
Một trong những đòi hỏi để KTTT phát triển tốt trong nền kinh tế thị trường là phải tích tụ đất đai và tập trung sản xuất, chuyên môn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật thâm canh, hợp tác và cạnh tranh.
Chủ trang trại phải có sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sự chuyển biến này ở Quảng Trị diễn ra khá chậm chạp bởi tư duy sản xuất nhỏ lẻ bám rễ khá sâu trong lối làm ăn manh mún của nông dân.
Tâm lý lo ngại rủi ro, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô lớn, chưa chịu khó tìm kiếm thị trường để ổn định đầu ra cho sản phẩm... còn đang khá phổ biến. Nhiều trang trại sản xuất theo mô hình lấy ngắn nuôi dài quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, ít ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nông sản chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô chưa qua chế biến, giá bán bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp nên khó chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Vợ chồng chị Trần Thị Ngọc ở thành phố Đông Hà lên vùng Cùa, Cam Lộ mở trang trại chăn nuôi lợn và trồng cây cao su. Sau hơn 9 năm phát triển, có lúc được, lúc mất, cuối cùng chị trở về lại Đông Hà mở quán bán thức ăn sáng để lại ở vùng Cùa 3 ha cao su đang trong thời kỳ khai thác cho chồng khai thác cầm chừng chờ cao su lên giá, còn trang trại lợn thì để trống không nuôi.
Theo chị Ngọc, làm trang trại mà không chủ động được đầu ra sản phẩm thì rất bấp bênh. Chăn nuôi lợn đầu vào chủ động được nhờ tự túc con giống và nguồn thức ăn có các công ty cung ứng nhưng đầu ra sản phẩm lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nên lúc lãi, lúc lỗ. Còn 3 ha cao su sau 9 năm chăm sóc mới khai thác được 2 năm thì giá rớt xuống liên tục, tiền mủ không đủ chi phí tiền công thuê cạo.
Chậm đổi mới tư duy trong đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá đã dẫn đến quy mô các trang trại nhỏ lẻ, tốc độ phát triển chậm, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hoá lớn nên vừa khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, vừa không tiết kiệm trong chi phí cho vật tư đầu vào.
Sản xuất kinh doanh chưa đa dạng, chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Hơn nữa, trình độ quản lý, kỹ thuật của các chủ trang trại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các chủ trang trại điều hành sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, hầu hết chưa qua đào tạo tập huấn. Việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất cũng theo đó mà hạn chế.
Các trang trại phát triển mang tính tự phát, không dựa vào quy hoạch. Giống cây trồng, vật nuôi hầu hết do các chủ trang trại tự tuyển chọn và sản xuất theo kinh nghiệm nên chất lượng chưa cao làm ảnh hưởng đến năng suất. Do tư duy phát triển sản xuất của chủ trang trại trên địa bàn tỉnh còn chậm đổi mới, trình độ thấp nên trong những năm gần đây KTTT có chuyển biến tích cực song sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Thiếu điều kiện sản xuất
Do điều kiện đất đai ở Quảng Trị không rộng lớn, lại đã tiến hành giao ruộng đất cho nông hộ nên diện tích đất còn lại để phát triển trang trại không nhiều. Nhiều trang trại cũ tiến hành sản xuất trong điều kiện đất đai manh mún, quy mô nhỏ, giá trị thấp. Vì thế, người dân muốn phát triển trang trại đủ tiêu chuẩn thì phải tích tụ đất đai, liên kết sản xuất. Điều này muốn thực hiện được thì phải có vốn.
Hiện nay, hầu hết trang trại cũ ở Quảng Trị đều gặp khó khăn về nguồn vốn, trong khi chủ trang trại không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận trang trại để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về phát triển KTTT như vay vốn ngân hàng, thuế, lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo hộ đầu tư... Do đó, không tạo được động lực cho các trang trại cũ mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, liên kết và hình thành chuỗi sản xuất khép kín.
Ông Trần Dũng ở thôn Trúc Lâm, Gio Quang, Gio Linh mở trang trại chăn nuôi từ năm 2005. Lúc khởi nghiệp, ông gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn sản xuất. Trang trại của ông có diện tích gần 2,5 ha đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng cũng không đủ giá trị để thế chấp vay vốn ngân hàng, ông phải mượn thêm 2 “sổ đỏ” nữa mới vay được 150 triệu đồng tại ngân hàng, trong khi đó nhu cầu vốn đầu tư phát triển trang trại của ông lúc đó khoảng 500 triệu đồng. Không đủ vốn, ông phải vay vốn ở ngoài lãi cao mà không chủ động được thời gian trả.
Ông Dũng cho biết: “Ban đầu lập trang trại, thiếu vốn sản xuất, tôi khó khăn đủ bề, nhất là muốn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi như tăng giống bố mẹ để chủ động nguồn giống lợn thịt, đặt mua thức ăn tại nhà máy, xây dựng thêm hệ thống chuồng trại, xử lý môi trường.... nhưng khó làm được.
Phải mất hơn 9 năm phát triển trang trại có hiệu quả, đến nay tôi mới cơ bản đủ nguồn vốn để hoạt động. Hiện nay, kế hoạch của tôi là thuê thêm 4,5 ha đất nữa để mở rộng quy mô trang trại đầu tư trồng cỏ nuôi bò.
Với kế hoạch này, tôi cần thêm khoảng 1 tỷ đồng nữa để thực hiện nhưng chỉ tiêu tín dụng của tôi ở ngân hàng chỉ được 250 triệu đồng. Hơn nữa, phát triển trang trại là hình thức đầu tư lâu dài, tôi cần nhiều hơn những chính sách hỗ trợ về lãi suất vay vốn từ phía nhà nước mới phát triển có hiệu quả”.
Cũng do khó khăn về điều kiện sản xuất nên trang trại gia đình anh Trương Sỹ Hướng ở khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa sau 10 năm hoạt động vẫn không mở rộng được quy mô và nâng cao thu nhập. Đất sản xuất của anh Hướng nằm rải rác nhiều nơi, nơi có diện tích nhiều nhất là 2 ha được đầu tư trồng mía và đào hồ nuôi cá nước ngọt, anh kết hợp thêm chăn nuôi bò, gà nhưng tổng thu nhập chỉ được 300 triệu đồng.
Với 2 tiêu chí này so với quy định chuẩn về trang trại tại Thông tư 27 thì trang trại của anh Hướng không đạt chuẩn nên không được cấp Giấy chứng nhận trang trại. Điều này đồng nghĩa với việc anh Hướng không được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển KTTT của nhà nước, trong đó có việc không được tín chấp vay vốn ưu đãi ở ngân hàng với mức 500 triệu đồng mà chỉ được vay tín chấp 50 triệu đồng.
Ít vốn thì việc đầu tư của trang trại anh Hướng khó mang lại hiệu quả cao hơn, ước mơ đạt chuẩn trang trại mới của anh Hướng cũng khó đạt được.
Đối với các nguồn vốn tín dụng đầu tư vào trang trại hiện nay cũng không khó khăn lắm nhưng tất cả đề dựa theo quy định của Chính phủ để thực hiện nên các trang trại không đạt tiêu chí đã khó lại càng khó hơn.
Ông Trương Đình Ngữ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Gio Linh cho biết: Hiện nay, nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn dồi dào, lãi rất thấp, khoảng 7- 8%/năm nhưng do phần lớn trang trại trên địa bàn không đạt chuẩn nên khi áp dụng cho vay theo Nghị định 41 thì không tín chấp được bao nhiêu mà đòi hỏi phải có thế chấp.
Nếu không đủ tiêu chuẩn trang trại thì nguồn vốn ngân hàng cho vay cũng phải dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh của trang trại cũ, vốn tự có (khoảng 10- 20%) và tài sản thế chấp.
Với việc khó khăn về nguồn vốn như vậy thì các trang trại cũ ở Quảng Trị khó để phát triển đạt được chuẩn mới nếu không có chính sách hỗ trợ khác từ phía tỉnh.
Còn thiếu những chính sách hỗ trợ riêng cho trang trại
Các chính sách phát triển trang trại ở Quảng Trị chủ yếu lồng ghép thực hiện thông qua các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn như Nghị quyết phát triển kinh tế vùng gò đồi, Nghị quyết phát triển kinh tế vùng cát ven biển... mà chưa có chính sách cụ thể riêng biệt của địa phương về phát triển trang trại, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho trang trại từ phía trung ương và các cấp chính quyền.
Việc thực hiện các chính sách vay vốn, chuyển giao tiến bộ KHKT, tiêu thụ nông sản của chính quyền các cấp chưa thực sự thúc đẩy tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho KTTT. Mặc dù nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn cho loại hình kinh tế này như Nghị định 41/2010/ NĐ-CP, song hầu hết trang trại trên toàn tỉnh đều không tiếp cận được nguồn vốn trên. Nguyên nhân là do phần lớn trang trại đều chưa được cấp Giấy chứng nhận trang trại hoặc không có tài sản thế chấp vay vốn.
Về tình hình cấp Giấy chứng nhận trang trại, một phần do các chủ trang trại chưa sốt sắng thực hiện, phần khác UBND các huyện cũng chưa quan tâm đôn đốc việc đổi và cấp Giấy chứng nhận trang trại nên tiến độ cấp giấy này của toàn tỉnh còn chậm. Trang trại của ông Trần Dũng ở Trúc Lâm, Gio Quang, Gio Linh đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận trang trại hơn 8 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được cấp.
Ông Đào Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Từ trước đến nay, tỉnh đã thực hiện được nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có nhiều chương trình dự án hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại chưa thực hiện được nhiều, phần lớn là do nông dân tự lo. Các ngành hữu quan chưa thực sự phối hợp với nhau để đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển KTTT, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm, định hướng cho trang trại phát triển. Vì vậy, chưa tạo ra được sự liên doanh liên kết hỗ trợ nhau trong chuỗi sản xuất”.
Chính những rào cản trên và chưa có sự quản lý nhà nước chặt chẽ về KTTT nên trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển còn chậm. KTTT muốn tăng tốc rất cần những giải pháp đồng bộ từ phía nhà nước để tạo động lực phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ