Mô hình kinh tế Những Vườn Tiêu Trên... Đá

Những Vườn Tiêu Trên... Đá

Ngày đăng 09/04/2014

Những Vườn Tiêu Trên... Đá

Ngược xuôi từ Bảo Lộc về Đà Lạt (Lâm Đồng), đến km178, qua cầu Đạ Le (Tam Bố) đã nhiều, tôi thường chỉ nghe tiếng máy ầm ì từ Mỏ Đá vẳng tới. Vậy mà ngẫu nhiên lần này, khi phóng tầm mắt trông lên Mỏ Đá, tôi bất ngờ, bởi những cọc tiêu mọc trên đá tự bao giờ!

Ghé căn nhà xây cấp 4 nằm lọt giữa vườn tiêu của anh Trần Huệ, chúng tôi được tiếp đón như người thân lâu ngày mới gặp. Anh Huệ trải lòng: Em đến đây lập nghiệp từ năm 1993. Từ con số không giờ em đã sở hữu 3ha tiêu. Tất cả vườn tiêu gần như đều mọc trên đá, vì vùng đất chỉ có đá mà thôi.

Trong số 3ha tiêu của em, có 1ha trên 10 năm tuổi đã cho thu hoạch và 1,5ha mới bói vụ đầu. Toàn bộ diện tích tiêu đều trồng xen với cà phê, vụ này thu được 4 tấn tiêu khô và gần 10 tấn cà phê nhân. Với giá tiêu 140.000 đồng/kg (có những lúc lên tới 170.000 – 190.000 đồng/kg) và giá cà phê gần 40.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại, thì năm nay trừ chi phí, gia đình em thu nhập trên 600 triệu đồng.

Vườn tiêu nhà anh Huệ quả thật là “chân không đạp đất”, vì dưới gốc hoàn toàn là đá. Theo anh Huệ, ở đây trồng tiêu rất hiệu quả, nhưng chi phí cao vì khó canh tác. Mỗi năm, anh bón tới 10 tấn phân chuồng và 2 tấn phân NPK/ha (cho cả tiêu và cà phê).

“Điều quan trọng nhất là phải có nước tưới. Nhà nào cũng phải chủ động có máy tưới riêng. Nước bơm từ suối Đạ Le hoặc bơm từ giếng khoan. Năm nào cũng vậy, vào mùa khô, cứ 10 ngày phải tưới 1 lần, thì cây tiêu mới “trụ” được” – anh Huệ cho hay.

Nhìn cách thiết kế vườn, hệ thống tưới nước, nơi ủ phân chuồng đến sân phơi, tôi cứ tưởng anh Huệ là “vua” tiêu ở đây. Nhưng anh Huệ cũng chỉ ở mức trên trung bình ở “xóm tiêu” này. Cả xóm hiện có hơn 20 hộ nông dân và nhà nào cũng trồng tiêu. Những hộ trồng nhiều tiêu ở xóm này là các anh Trần Văn Phát, Lê Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Thảo…

Năm 1993, hơn 20 hộ dân ở các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã đến Mỏ Đá (Tam Bố) lập nghiệp và dần hình thành nên xóm Quảng (còn gọi “xóm tiêu”), xóm xa tận cùng của thôn Hiệp Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Cũng đến đây lập nghiệp từ năm 1993, nhưng không chịu nổi vùng đất cằn sỏi đá này, anh Trần Văn Phát đã bỏ về Sài Gòn để làm ăn. Tích cực “bon chen” nhưng cũng không thể khá được, đến năm 1998, anh quay trở lại khi vùng đất này bắt đầu có “sức sống”.

Lúc này, trong túi chỉ vỏn vẹn có 13 triệu đồng, hai vợ chồng anh quyết chí làm ăn. Từ khó khăn, vất vả, nhưng với nghị lực vươn lên bằng sức lao động của chính mình, hiện giờ anh Phát đã có trong tay 4ha cây trồng; trong đó, có 1,5ha tiêu, còn lại là cà phê. “Vùng đất này rất phù hợp với cây tiêu. Hơn nữa, tôi trồng giống tiêu Vĩnh Linh, nên năng suất đạt tới 5 tấn tiêu khô/ha. Còn năng suất cà phê chỉ đạt 2 tấn nhân/ha. Tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm 1ha tiêu nữa. Cũng nhờ cây tiêu, nên trong 3 năm nay, thu nhập của gia đình tôi đạt trên 1 tỷ đồng/năm” – anh Phát vui mừng chia sẻ.

Từ một xóm dân cư tự phát nghèo “rớt mồng tơi” ít người biết đến, giờ “xóm tiêu” đã là một xóm khá và giàu lên nhờ cây tiêu. Tuy nhiên, điều mà khiến tôi đôi chút chạnh lòng, khi nghe anh Huệ và bà con ở đây mong mỏi rằng: “Vật chất đã đủ đầy, nhưng xóm tiêu lại là xóm “nghèo” nhất về tinh thần, do mọi thứ còn đều tự phát và tự lo…”.


Chuỗi Nông Sản An Toàn METRO Chuỗi Nông Sản An Toàn METRO Hậu Giang Trao Giấy Chứng Nhận Nhãn Hiệu Quýt Đường Long Trị Hậu Giang Trao Giấy Chứng Nhận Nhãn Hiệu…