Tin thủy sản Ninh Bình: Nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản an toàn

Ninh Bình: Nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản an toàn

Tác giả Ngọc Anh, ngày đăng 26/12/2017

Ninh Bình: Nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản an toàn

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới việc đáp ứng được nguồn sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXI đã ban hành Nghị quyết số 05 -NQ/TU ngày 24/10/2016 về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Ao nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty Bình Minh   Ảnh: Hải Đăng

Sản xuất bền vững

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản đã đạt được những kết quả nhất định, một số cơ sở sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ sản xuất cá giống bằng công nghệ sử dụng hormone để sản xuất giống cá rô phi đơn tính, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất giống, sản xuất giống ngao trong bể bạt dung tích lớn... Bước đầu đã có các hộ ứng dụng công nghệ nuôi cá thâm canh có sử dụng sục khí, quạt nước, chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi, với một số đối tượng cá nuôi như: Tôm, cá trắm, rô phi... Một số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và nuôi thử nghiệm thành công cá lồng trên hồ Yên Thắng, sông Đáy, nuôi cá ao nổi trên vùng ruộng trũng, nuôi tôm siêu thâm canh trong ao nhỏ theo công nghệ Việt - Úc.

Điển hình như mô hình sản xuất ngao giống và nuôi tôm công nghiệp của Công ty CP Trường Thịnh Phát ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn. Tuy mới đi vào hoạt động, song Công ty đã mạnh dạn đầu tư hệ thống cơ sở, phương tiện hiện đại để sản xuất ngao giống. Cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên việc sản xuất giống ngao ở đây khá thành công, trung bình mỗi năm sản xuất ra 15 tỷ con giống, cung ứng cho bà con trong vùng nuôi trồng. Nhờ đó người nuôi có điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh vùng bãi bồi, có giống tốt tại chỗ, giá thành hạ hơn 40 - 50% so giống nhập trước đây. Cùng đó, với diện tích gần 40 ha, để nâng cao hiệu quả kinh tế, Công ty đang chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao. Trước mắt khoanh vùng, xây dựng cơ sở hạ tầng đưa vào thử nghiệm nuôi 2 ha tôm trong nhà bạt, với mức đầu tư 2 tỷ đồng/ha, đưa vào nuôi thả cung ứng tôm phục vụ người nuôi dịp cuối năm và tiếp tục đầu tư mở rộng vào những năm tiếp theo.

Hay mô hình của Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh; năm 2016, Công ty tiến hành thực hiện dự án khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới với quy mô diện tích trên 7 ha, gồm 20 ao nuôi, trong đó có 11 ao nhà bạt để nuôi 3 vụ/năm, có hệ thống quản lý tự động, điều khiển từ xa. Ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhận định, thành công bước đầu của mô hình là bài học kinh nghiệm để nhân dân trong vùng khai thác tiềm năng thế mạnh kinh tế biển thành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, hình thành thương hiệu nông sản sạch, đưa vị thế nông nghiệp của Ninh Bình lên tầm cao mới. Được biết, sau thành công với 2 vụ tôm áp dụng công nghệ cao, Công ty tiếp tục nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, thiết bị cho ăn, nâng mật độ tôm từ 200 con/m2 lên 250 con/m2, dự kiến cho thu hoạch năng suất cao hơn vụ trước 15 - 20%.

Giải pháp phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công  nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong đó có thủy sản tại Ninh Bình cũng còn những khó khăn như: hầu như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp khác chưa có đầy đủ các yếu tố về vốn, thị trường, công nghệ, kiến thức… để tiếp cận các ưu đãi. Thực tế, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chỉ mới dừng ở một số mô hình sản xuất nhỏ, tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, đầu tư hạ tầng thiết yếu, chưa thể ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến rộng rãi, công nghệ tự động hóa… vào sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, phần lớn sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đều bán tự do ngoài thị trường thông qua các thương lái, chỉ có một số cơ sở sản xuất quy mô hàng chục tấn sản phẩm/vụ trở lên mới ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Chính vì vậy, cần thực hiện các giải pháp về quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường… Trong đó, nhóm giải pháp về khoa học công nghệ cần tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới; triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao, trước mắt tập trung cho rau, hoa, chăn nuôi lợn, tôm... Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trang trại, Hợp tác xã, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm các loại giống cây trồng, vật nuôi mới; quy trình sản xuất, thâm canh... ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất.

Hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực có khối lượng hàng hóa lớn. Hỗ trợ các trang trại, Hợp tác xã, các hộ sản xuất liên kết với nhau hoặc liên kết với các doanh nghiệp, các cửa hàng, siêu thị để cung ứng các dịch vụ đầu vào sản xuất, hoặc tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường nông sản, truyền thông, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, sự kiện ở trong và ngoài nước có liên quan đến sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao…


Xuất khẩu da cá tra sang Singapore làm snack Xuất khẩu da cá tra sang Singapore làm… Sát khuẩn trong nuôi trồng thủy sản: Đơn giản hay phức tạp Sát khuẩn trong nuôi trồng thủy sản: Đơn…