Ninh Thuận khởi động vụ cá Nam
Theo anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (KT&BVNLTS) tỉnh, từ đầu tháng 2 đến nay, tình hình thời tiết đang rất thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, trên các vùng biển Trung và Nam Trung Bộ liên tục xuất hiện các đàn cá nổi (cá cơm, cá nục, cá trác, mực…) với trữ lượng lớn.
Toàn tỉnh đã có 60% tàu cá tham gia hoạt động khai thác trên các vùng biển từ tỉnh ta đến các ngư trường truyền thống, hầu hết đều khai thác đạt sản lượng và hiệu quả cao, nhất là các thuyền nghề pha xúc, vây rút và lưới cước.
Trao đổi với các chủ tàu cá ở các địa phương ven biển, chúng tôi được biết, phần lớn hải sản tiêu thụ tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh với giá bán đã tăng lên. Ngư dân Trần Công Thắng (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) có 2 tàu cá hành nghề lưới rê đáy chia sẻ: Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt vụ cá Bấc kéo dài 10 - 12 ngày, bình quân 1 tàu đánh bắt đạt sản lượng khoảng 5 tấn, trừ chi phí còn lãi từ 100 đến 150 triệu đồng. Riêng các tàu pha xúc hoạt động trên vùng biển phía Nam thì bán sản phẩm ngay trên biển, chủ yếu là cá cơm.
Theo Chi cục KT&BVNLTS tỉnh, năng lực tàu cá trong 3 tháng đầu năm biến động không nhiều nhưng cũng đã có 10 chiếc tàu (4.464 CV) đóng mới, đa số có công suất từ 200 - 400 CV, 5 chiếc (518 CV) mua ngoài tỉnh có công suất trung bình trên 100 CV/tàu, chưa kể nhiều tàu cải hoán (nâng công suất từ 90 CV trở lên) làm tăng thêm công suất 895 CV. Tính đến đầu tháng 4, năng lực tàu cá tỉnh ta có 2.738 chiếc, với tổng công suất 273.586 CV, riêng tàu công suất từ 90 CV trở lên có 930 chiếc, với tổng công suất 232.949 CV.
Xu hướng tàu thuyền phát triển thấy rõ, trong cùng thời gian Chi cục KT&BVNLTS tỉnh đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trình UBND tỉnh phê duyệt 10 phương tiện đủ điều kiện tham gia đánh bắt xa bờ, nâng tổng số tàu cá khai thác hải sản trên vùng biển xa của tỉnh ta lên 44 tàu. Phấn khởi hơn là hình thức hợp tác khai thác được ngư dân ngày càng quan tâm, đến nay toàn tỉnh đã có 73 tổ đoàn kết sản xuất trên biển (326 tàu), đa số ở các xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam).
Có thể khẳng định ngay từ bước chuẩn bị khởi động cho vụ cá Nam, diễn biến cuối vụ cá Bấc đã phát nhiều tín hiệu lạc quan, mở ra niềm hy vọng mới cho hoạt động khai thác hải sản tỉnh ta về sự vươn ra khơi xa, đánh bắt dài ngày trên biển. Bà Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho biết: Vụ cá Nam được tính từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9, nhưng đối với ngư dân, mùa Nam chỉ thực sự khởi động khi có gió Tây Nam thổi về nên có khi rơi vào thời điểm muộn hơn, nhưng dù sớm hay muộn vẫn là vụ mùa khai thác chính có ý nghĩa quyết định đến sự hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất cả năm. Vì vậy, việc tăng thêm năng lực tàu cá có thể coi là bước khởi động đáng mừng.
Để chuẩn bị bước khởi động vào vụ cá Nam năm nay, ngành NN&PTNT tỉnh mà trực tiếp là Chi cục KT&BVNLTS tỉnh tích cực tác động hỗ trợ, áp dụng một số công nghệ khai thác tiên tiến, tiếp cận và tổ chức đánh bắt tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh phù hợp cho từng loại nghề. Đặc biệt tập trung tổ chức lại hoạt động khai thác ven bờ, tăng cường ngăn chặn các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi (như sử dụng chất nổ, chất độc, lưới vây rút mùng), đồng thời phát triển đội tàu công suất lớn với các tổ đoàn kết trên biển để vươn khơi khai thác, từng bước hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ