Nơi Cá, Mực Ngon Nổi Tiếng
Đầu năm mới, ngư dân các địa phương ven biển tỉnh Quảng Trị - nơi ngư trường có cá, mực ngon nổi tiếng trúng đậm trong những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản. Những chuyến tàu đầu tiên đã cập cảng với sản lượng đánh bắt được khá lớn, dự báo một năm thuận lợi cho bà con ngư dân.
Lộc biển
Chúng tôi có mặt từ bờ biển xã Triệu An rất sớm để đón những chiếc tàu đang từ từ vào bờ mang theo nhiều lộc biển đầu năm mới sau mấy ngày ra quân đánh bắt trên biển. Tàu vừa cập bến, cảng cá Cửa Việt hôm ấy như vui hơn với tiếng chào hỏi nhau hồ hởi của ngư dân - tàu anh đánh được mấy tấn, tàu chú mỗi bạn chuyến này thu được mấy triệu đồng..., hầu như ngư dân chỉ quan tâm nhau về thành quả ra khơi chuyến đầu. Chúng tôi thì từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nhìn lộc biển đầu năm là những tạ cá hố tươi sóng sánh, to bằng bàn tay, dài hơn 1m, còn mực thì nhiều vô kể.
Ngư dân Đặng Văn Luận, trưởng tàu QT-90569 xã Triệu An mặt tươi như xuân: “Sau 4 ngày ra biển tàu của tôi đã thu hơn 3 tạ mực, 2 tạ cá hố, giá trị khoảng 50 triệu đồng”. Không riêng gì tàu cá của ông Luận, trong đợt xa khơi đầu năm, xã Triệu An có 64 tàu thuyền đánh bắt các loại cá như cá nục, cá duội, cá hố…, sản lượng khá cao với 1,5 tấn mực ống, gần 3 tấn mực nang và nhiều loại cá khác, đặc biệt là cá hố xuất khẩu. Giá thu mua cá hố tăng cao so với những năm trước nên ngư dân có lãi khá sau những ngày đi biển. Hiện tại cá hố loại nhỏ bán tại chỗ đã 70.000 đồng/kg, loại con to, dài để xuất khẩu có giá từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg.
Ngư dân của xã Gio Việt thì trúng đậm cá thu. Tàu của anh Nguyễn Tài Hòa ở thôn Xuân Tiến đi biển kéo dài từ trong Tết Nguyên đán ra đến những ngày đầu năm này đánh bắt cá thu loại lớn, thu về mỗi người 25 triệu đồng. Anh Hòa nói thời tiết đầu năm nay khá thuận lợi nên bà con trúng lộc biển sớm hơn mọi năm.
Anh Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch xã Gio Việt cho biết, ngoài đánh bắt cá thu, có 10 tàu trúng đậm cá duội với trị giá thu về hơn 800 triệu. Tàu của ông Võ Thanh Phương ở thôn Xuân Ngọc có 8 người sau hai ngày đánh cá duội, mỗi thuyền viên chia được 7 triệu đồng. Xã Gio Việt có 160 tàu thuyền đánh bắt cá trên biển, trong đó có 70 thuyền có công suất 45CV, giải quyết 10 đến 12 lao động mỗi thuyền. Nếu cá bán tươi, giá chỉ hơn 10.000 đồng/kg, nhưng sau khi đã qua chế biến, giá cá khô được bán với giá 40.000 ngàn đồng/kg. Do đó, ngư dân vùng này đã đầu tư lò hấp sấy cá nhằm giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện tại Gio Việt có đến 55 lò hấp sấy cá xuất khẩu.
Mơ về một NM chế biến
Đội tàu cá mạnh nhất các địa phương ven biển này phải kể đến thị trấn Cửa Việt. Ông Nguyễn Trường Kỳ - Chủ tịch thị trấn Cửa Việt - huyện Gio Linh, tự hào: Đội tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn tương đối lớn cả về số lượng và công suất của tàu với 200 chiếc tàu thuyền, trong đó có 52 tàu từ 110 đến 165 CV, có hơn 500 lao động tham gia đánh bắt xa bờ. Mỗi tàu đánh bắt xa bờ thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/tháng, trừ các loại chi phí còn khoảng 80 triệu đồng. Thu nhập từ đánh bắt cá chiếm 50% tổng thu nhập của người dân toàn thị trấn.
Ông Kỳ không giấu nổi vẻ vui mừng khi Cửa Việt đang chào đón sự trở lại của các thương gia trong và ngoài nước đến làm ăn, buôn bán hàng ngày. Thương gia của Trung Quốc rất kết sản phẩm cá, mực sấy khô Cửa Việt. Hình ảnh những thương gia Trung Quốc đến thu mua hàng hóa và đầu tư xây dựng nhiều kho bãi lớn ở Cửa Việt làm bãi tập kết cho thấy dấu hiệu thịnh vượng của ngày xưa đã trở lại đất này. Hỏi một thương gia cái gì làm cho con cá, con mực biển này ngon hơn, họ nói nhờ gió tây nam thổi đúng vào mùa đi biển nên những con cá, con mực, con tôm được đánh bắt săn chắc và bổ hơn rất nhiều.
Hơn 45% dân số Cửa Việt và các xã trong vùng đánh bắt cá mực nhưng không cung cấp đủ cho bạn hàng Trung Quốc. Hệ thống hấp sấy cá khô ở đây có gần 100 lò, mỗi ngày sản xuất đến 10 tấn cá khô song hàng vẫn luôn được tiêu thụ hết. Khi hỏi các thương gia vì sao thích mua cá, mực Quảng Trị, họ cho rằng chất lượng sản phẩm ở Quảng Trị tốt hơn nhiều so các địa phương khác nên mua giá cao hơn từ 10 đến 20%. Ngoài ra, Cty CP Phát triển Thủy sản Thừa Thiên - Huế cũng ra vùng cửa biển này đặt NM chế biến thủy hải sản với dây chuyền hiện đại khép kín thu mua - chế biến - xuất khẩu. Theo họ sản phẩm cá, mực, tôm của biển Quảng Trị chất lượng nổi tiếng nên khi xuất ra nước ngoài thường được giá cao.
Thị dân Cửa Việt không còn cảnh gánh cá chạy bộ lên thành phố mỗi ngày nữa. Thuyền đánh cá vừa về đến bến đã có tư thương ra thu mua tại chỗ. Sự có mặt của những thương gia làm cho Cửa Việt thêm nhộn nhịp hơn. Đây là cơ hội làm giàu cho người dân cửa biển này. “Mùa cá năm trước có chủ thuyền doanh thu đến 2,5 tỷ đồng, còn những chủ thuyền có doanh thu hơn 1 tỷ đồng rất nhiều”, ông Nguyễn Trường Kỳ nói.
Ông Nguyễn Quang Trinh - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế huyện Gio Linh, cho biết Gio Linh có bờ biển dài trên 15 km, từ nam Cửa Tùng đến bắc Cửa Việt, thuộc 3 xã và 1 thị trấn với gần 20 ngàn dân sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thủy hải sản. Nhiều gia đình ngư dân nhờ biết đầu tư khai thác biển mà trở nên giàu có. Tổng sản lượng đánh bắt thủy hải sản năm trước đạt hơn 12.000 tấn, chiếm 1/2 tổng sản lượng toàn tỉnh, trong đó xuất khẩu trên 5.000 tấn hàng cao cấp. Năng lực khai thác, đánh bắt thủy hải sản của huyện ngày càng mạnh.
Toàn huyện hiện có hơn 800 tàu thuyền các loại, với tổng công suất gần 20.000 CV. Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh giai đoạn 2010 - 2015, xác định chú trọng đầu tư phương tiện đánh bắt và ngư lưới cụ để xây dựng đội tàu biển hùng mạnh giúp ngư dân làm chủ biển Đông, không ngừng đẩy mạnh khai thác biển để tăng thu nhập cho ngư dân, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển.
Đầu năm mới, ông Trinh cũng như ngư dân Cửa Việt mong muốn làm sao xây dựng được tại Cửa Việt một nhà máy chế biến thủy hải sản, ít ra cũng là một xí nghiệp. Hiện tại bà con chỉ có những lò sơ chế sản phẩm cá, mực nhưng nếu được đầu tư tốt hơn về các phương tiện kỹ thuật, dây chuyền chế biến hiện đại thì sản phẩm biển của bà con sẽ được bán với giá cao hơn, còn tạo được nhiều việc làm tại chỗ.
Theo ông Trinh, mùa khai thác biển của bà con ngư dân sẽ chính thức từ tháng 2 âm lịch, nhưng lộc biển đầu năm mới đã báo hiệu một năm biển lặng, sóng yên và nhiều tôm cá cho ngư dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ