Nỗi Lo Xóa Sổ Cây Ca Cao
Từng được trồng ồ ạt cách đây khoảng 5 năm, đến nay cây ca cao tại huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) lại bị chính người nông dân chặt bỏ dần dần. Hiện, toàn huyện đã giảm 1/3 diện tích ca cao so với trước và con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Cây ca cao được trồng tại huyện Đạ Tẻh chủ yếu do Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ (do Tổ chức ACDI/VOCA - Hợp tác phát triển nông nghiệp và trợ giúp quốc tế tài trợ) triển khai. Ngoài ra, bằng nguồn vốn của các chương trình 30a, 135, nhiều hộ nông dân cũng đã được cấp phát cây giống để trồng ca cao. Diện tích ca cao được trồng chủ yếu tại các xã Quảng Trị, Hà Đông, Quốc Oai, Đạ Pal. Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Ca cao được khuyến cáo trồng tại Đạ Tẻh từ năm 2006.
Theo thống kê năm 2011 thì diện tích ca cao toàn huyện đạt gần 300 ha, nhưng đến nay diện tích này chỉ còn gần 200 ha. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do giá ca cao gần đây giảm mạnh và tình hình nấm bệnh ngày càng gia tăng. Một số vườn đã đến giai đoạn thu hoạch nhưng không cho trái vì giai đoạn kiến thiết cơ bản không được đầu tư, chăm sóc đúng cách”.
Cuối năm 2012, giá hạt ca cao giảm từ 60 ngàn đồng xuống còn 30 ngàn đồng/kg và giá trái tươi giảm từ 5 ngàn đồng xuống còn 2-3 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, hiện tại toàn huyện chỉ còn 2 điểm thu mua và chỉ mua hạt khô, không thu mua trái tươi đã khiến nhiều nông dân phải bỏ vườn ca cao không thu hoạch. Nông dân Phạm Ngọc Chư (thôn Giao Yến, xã Đạ Pal) là một trong những người trồng ca cao với diện tích khá lớn tại xã Đạ Pal.
Ông hiện có 5 sào ca cao đã bước vào giai đoạn thu hoạch. Ông chia sẻ: Mỗi tuần, gia đình thu hái từ 1 đến 1,5 tạ trái tươi. Do các thương lái không mua trái tươi nữa nên lứa vừa rồi tôi đã không hái để bán mà để trái khô luôn trên cây. Nếu thu hái để tự ủ lên men thì mình không có kỹ thuật để làm, còn bán trái tươi với giá chỉ 2.000 đồng/kg như hiện nay thì không đủ công hái”.
Không riêng gì ông Chư, rất nhiều nông dân tại xã Đạ Pal đã “bỏ mặc” hoặc chặt bỏ cây ca cao dù đã bước vào giai đoạn thu hoạch. Theo thống kê, từ trước đến nay, xã Đạ Pal có khoảng 30 ha ca cao được triển khai theo các chương trình, dự án như mô hình trồng 5 ha ca cao (vốn Trung tâm khuyến nông tỉnh), 15 ha theo nguồn vốn 135 và hơn 20 ha từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Ông Phạm Khắc Luyến, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal, cho biết: Toàn xã chỉ còn 15,4 ha ca cao (giảm 50%), trong đó diện tích cho thu hoạch gần 5 ha. Trên địa bàn xã hiện chỉ có một điểm thu mua. Do giá thấp nên hiện điểm này không tiếp tục thu mua trái tươi mà chỉ mua hạt khô. Đây chính là điều bất hợp lý trong việc thu mua khiến diện tích ca cao giảm mạnh. Sắp tới, diện tích này chắc chắn còn tiếp tục giảm”.
Có một điều đáng lưu ý là rất nhiều diện tích ca cao tại huyện Đạ Tẻh dù đã bước vào giai đoạn thu hoạch nhưng lại không ra trái. Tại xã An Nhơn, năm 2011, Tổ chức ACDI/VOCA đã triển khai Dự án trồng 3 ha ca cao trên đất đồi núi cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, đến nay diện tích này đã “xóa sổ” hoàn toàn.
Còn tại xã Đạ Pal, cũng trong năm 2011, các hộ nghèo của 6 thôn trên địa bàn xã cũng đã nhận gần 28 ngàn cây ca cao để trồng, nhưng hiện tại hầu như các hộ đều đã chặt bỏ vì cây không ra trái. Theo ông Hoàng Hồng Giang, do người dân không chăm sóc, khiến cây bệnh nhiều nên không ra trái. Trong khi đó, theo nhiều nông dân thì do chất lượng cây giống không đảm bảo mới dẫn đến tình trạng này. Ông Phạm Ngọc Luyết, nông dân thôn Bình Hoà, xã Đạ Pal, bày tỏ: “Theo dự án triển khai cho các hộ nghèo trồng ca cao, thôn Bình Hòa có 22 hộ được nhận cây giống.
Đến nay thì tất cả các hộ đều đã đốn bỏ cây ca cao vì nếu có để lại cây cũng không ra trái. Riêng gia đình tôi nhận 450 cây con về trồng xen trong vườn điều. Sau hơn 3 năm chăm sóc, cây phát triển không đều, không ra quả hoặc ra quả nhỏ là đã bị “cháy” ngay trên cây. Tôi đã chặt bỏ hết diện tích cây ca cao vì càng chăm sóc càng lỗ. Theo tôi, nguyên nhân là do chất lượng cây giống không đạt. UBND xã Đạ Pal đã hợp đồng mua giống và cấp về cho bà con.
Cây ca cao đã được nghiên cứu rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Đây được mệnh danh là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho người nông dân vì mức độ đầu tư thấp, lại thu hoạch trái quanh năm. Thế nhưng, với tình trạng cây không ra trái và nguồn tiêu thụ gặp khó khăn, diện tích ca cao đang phải đối mặt với nguy cơ “xoá sổ”. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, kịp thời thì chắc chắn sẽ gây tổn thất rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các huyện phía Nam.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ