Mô hình kinh tế Nỗi Niềm Trên Đất Cà Phê

Nỗi Niềm Trên Đất Cà Phê

Ngày đăng 15/07/2014

Nỗi Niềm Trên Đất Cà Phê

Nằm ở phía Bắc của huyện Tuần Giáo, xã Quài Cang có 24 bản, 1.544 hộ, nhưng có đến gần 70% hộ nghèo do thiếu đất canh tác.

Thế nhưng, đang tồn tại một nghịch lý là hơn 150ha trồng cà phê, cây công nghiệp đã từng được coi là triển vọng xóa đói giảm nghèo cho xã, dường như đang bị “ngủ quên” bởi Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa hứa đầu tư rồi bỏ rơi nên người dân không mấy mặn mà…

Hiện cây cà phê trên đất Quài Cang đã không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Nhưng cũng chẳng thể phá bỏ trồng cây khác vì “của đau con xót”, khiến cho cái đói, cái nghèo đeo đẳng người dân mãi chưa buông.

Quài Cang là xã thuần nông, kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp nhưng chỉ có hơn 160ha đất nông nghiệp, 319ha đất nương. Thiếu đất canh tác, kỹ thuật lạc hậu nên năng suất cây trồng không cao, người dân luôn phải vật lộn với đói nghèo.

Năm 2009, thực hiện Nghị quyết số 02/2008 của Huyện ủy Tuần Giáo về phát triển cây công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, người dân xã Quài Cang kí hợp đồng với Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa (có trụ sở chính tại huyện Mường Ảng) về việc thuê đất trồng cà phê. Theo đó, người dân xã Quài Cang cho Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa thuê 150ha đất nương của bản Cắm, bản Phủ, bản Khá, bản Phung... thời hạn 25 năm để trồng cà phê với giá 10 triệu đồng/ha/năm.

Từ năm thứ 3 trở đi, khi cây cà phê cho thu hoạch, người dân sẽ được chia lợi nhuận từ việc thu hoạch cà phê tùy theo số lãi thu về. Bên cạnh đó, người dân còn được Công ty thuê làm nhân công chăm sóc cà phê với mức 60 – 70 nghìn đồng/ngày công.

Triển vọng là vậy, nhưng khi đi vào thực tiễn lại hoàn toàn khác. Ông Quàng Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang, cho biết: Trước khi kí hợp đồng trồng cây cà phê với Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa, hơn 150ha đất của bà còn chủ yếu trồng ngô, sắn, lúa nương; thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, khi hợp đồng thuê đất đi vào thực tiễn, thì thu nhập của bà con chỉ còn trên… giấy. Tiền thuê đất Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa chưa chi trả cho người dân, thậm chí ở nhiều bản, Công ty còn nợ tiền công người dân chăm sóc cà phê 3 – 4 năm nay chưa thanh toán.

Năm 2013, cây cà phê ở một số bản được thu hoạch, Công ty cho người đến thu mua sản phẩm, tuy nhiên, giá mua lại thấp hơn tư thương 2.000 đồng/kg, chính vì vậy mà nhiều hộ dân thu hoạch cà phê nhưng không muốn bán cho Công ty... Đầu tư lớn nhưng không hiệu quả, Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa “lặng lẽ” rút đi gần 1 năm nay, để lại cho người dân hơn 150ha “cây xóa đói giảm nghèo”.

Chờ mãi không thấy bóng dáng Công ty đâu, song vì “của đau con xót” mà người dân không nỡ chặt phá cà phê để trồng cây khác; tiền công chăm sóc như thỏa thuận ban đầu cũng không được thanh toán. Chính quyền xã Quài Cang đã động viên người dân cố gắng khắc phục khó khăn bằng việc trông nom, chăm sóc vườn cà phê với hi vọng khi cây cà phê cho thu hoạch, cuộc sống sẽ bớt khó khăn.

Chính vì vậy mà toàn xã mới duy trì được 80ha cây cà phê, song vì người dân thiếu vốn, thiếu kỹ thuật lại không phải vườn nhà nên không “mặn mà” chăm sóc, khiến năng suất cà phê thu được không cao. 70ha cà phê còn lại, cả người dân và Công ty đều “bỏ quên”, để cho cỏ dại mọc um tùm, gia súc vào phá hoại. Nương cà phê nay đã trở thành bãi đất hoang.

Chúng tôi có dịp đến Quài Cang vào những ngày đầu tháng 6, khi người dân đang vào mùa thu hoạch lúa chiêm xuân. Năm nay lúa được mùa, nhưng dường như niềm vui đến với người dân không được trọn vẹn.

Anh Quàng Văn Toán, bản Cắm, xã Quài Cang, chia sẻ: Đất ruộng ít, nhà tôi 5 khẩu nhưng chỉ có 400m2 đất ruộng 2 vụ; như năm nay được mùa cũng chỉ được 2 tạ thóc/vụ, tính ra vẫn chẳng đủ ăn. Gia đình tôi trồng thêm 600m2 nương sắn, năng suất cũng không cao nên vẫn cứ đói nghèo…

Bản Cắm, nơi anh Toán sinh sống là một trong số những bản ký hợp đồng thuê đất trồng cà phê với Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa. Khi được hỏi về đất nương trồng cà phê, anh Toán nói vui: Hơn năm nay chả thấy mặt ai xuống thăm, có khi họ “trốn” rồi...

Cùng anh Toán chúng tôi đến bản Cắm, xã Quài Cang. Bản Cắm có 36 hộ thì có đến 22 hộ cho Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa thuê đất, hộ ít vài nghìn mét vuông, hộ nhiều gần 1ha, tổng diện tích của bản Cắm cho Công ty thuê lên đến hơn 9ha.

Nhưng hiện nay, 9ha ấy lại đang là nỗi lo của người dân. Ông Lò Văn Thiện, Bí thư Chi bộ bản Cắm, cho biết: 9ha trồng cà phê ấy bây giờ phá đi không được, giữ lại cũng chẳng xong.

Người dân bản Cắm đã ký với Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa hợp đồng thuê đất trong vòng 25 năm, dù Công ty đã rời địa bàn nhưng vẫn chưa hề có văn bản chính thức nào hủy bỏ hợp đồng đã ký kết. Nếu người dân phá bỏ cây cà phê mà Công ty trở lại, thì người dân nghèo lấy đâu ra tiền để đền bù hợp đồng cho phía Công ty, mà giữ lại thì người dân thiếu đất sản xuất.

Rồi ông Thiện nhẩm tính: 1ha đất nương trồng sắn 1 năm cũng cho thu nhập 14 – 15 triệu đồng, nhưng nay đất lại nằm yên ở đấy cho cỏ dại mọc um tùm chứ không hề đem lại hiệu quả kinh tế.

Đấy là chưa kể từ ngày cho thuê đất trồng cà phê đến nay, dân bản không còn bãi chăn thả, khiến đàn trâu, bò giảm từ 40 con xuống còn 11 con. Nghề phụ không có, 175 nhân khẩu của bản giờ chỉ trông chờ vào 4,9ha đất nông nghiệp, bảo sao đói nghèo cứ đeo đẳng mãi không buông.

Đối với người dân Quài Cang, nơi mà đất nông nghiệp không có nhiều, thì việc phát triển cây công nghiệp trên nương là hướng thoát nghèo hiệu quả. Tuy nhiên, từ thực trạng cho thấy, cần có những quy định chặt chẽ trong việc quản lý người dân phát triển cây cà phê.

Mặt khác, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cũng cần làm rõ trách nhiệm đối với Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa để người dân có hướng phát triển trên những diện tích đất đã cho thuê. Đồng thời, các cấp ngành cần quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa, cũng như có những chính sách hỗ trợ hợp lý để người dân thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.


Nông Dân Tân Hiệp Trồng Lúa Tăng Thu Nhập, Bán Khí Thải Nông Dân Tân Hiệp Trồng Lúa Tăng Thu… Lạm Dụng Phân Bón Gây Nhiều Hệ Lụy Lạm Dụng Phân Bón Gây Nhiều Hệ Lụy