Mô hình kinh tế Nông Dân Chỉ Hòa Vốn Sau Vụ Lúa Trúng Lớn!

Nông Dân Chỉ Hòa Vốn Sau Vụ Lúa Trúng Lớn!

Ngày đăng 17/04/2014

Nông Dân Chỉ Hòa Vốn Sau Vụ Lúa Trúng Lớn!

Nông dân Ba Tri (Bến Tre) được mùa, lúa đạt năng suất bình quân gần 6 tấn/ha. Giá lúa hiện nay từ 5.400-5.700 đồng/kg, trong khi giá thành cũng ở khoảng đó, khiến cho đa số hộ chỉ hòa vốn.

Giống lúa OC 10 - niềm phấn khởi nửa vời

Bà con nông dân Ba Tri tranh thủ ra đồng từ sớm để thu hoạch lúa trong khoảng hơn 3 tuần qua. Nhiều xe cải tiến chở lúa hay rơm đầy ắp làm cho những con đường làng vốn nhỏ hẹp bị che kín hết lối lưu thông cho xe hướng ngược chiều. “Cái không khí ngày mùa luôn rộn rịp như vậy, nhưng trong lòng nông dân chúng tôi chán ngấy từ nhiều ngày qua, bởi giá lúa rẻ rề - cái giống lúa OC 10 suy cho cùng chỉ là niềm phấn khởi nửa vời thôi” - ông Huỳnh Văn Mười (xã Mỹ Chánh) chán nản nói.

Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Nhờ công tác thủy lợi được đảm bảo và thời tiết thuận lợi nên năng suất bình quân 6 tấn/ha là rất cao. Lúa trúng mùa nhưng nông dân vẫn không có lãi vì giá bán quá thấp. Giá lên khoảng 5.600 đồng/kg được khoảng 10 ngày qua, còn trước đó chỉ hơn 5.000 đồng/kg.

Hiện bà con đã thu hoạch khoảng 70% diện tích lúa trên tổng số khoảng 12.000ha được gieo sạ trong huyện ở vụ này. Giống lúa được bà con chọn chủ yếu là OC 10 với lợi thế cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, giống lúa này lại không đạt những chỉ số cần thiết để xuất khẩu mà chỉ có thể sử dụng để làm bún, làm bánh do gạo có độ dãn nở quá cao. Do đó, giá bán lúa OC 10 không cao.

Nguyên nhân khác là đầu ra chủ yếu tại thị trường trong tỉnh nên không được nhiều triển vọng. Vướng mắc lớn nhất là do sự kiềm chế giá cả của thương lái; điều này rất khó kiểm soát và người nông dân thiếu vốn sản xuất sẽ không thể thoát ra được.

Lãi… là rơm cho bò ăn

Tay cầm số tiền 67 triệu đồng mà thương lái vừa trả sau khi đã thu mua hơn 11,7 tấn lúa vừa thu hoạch từ 20 công lúa của gia đình, với giá 5.600 đồng/kg, vợ chồng anh Phan Văn Sáu (ở ấp 3, xã An Bình Tây) rầu rĩ: “Phải bán sạch ngay sau khi suốt xong mà không chừa được một giạ lúa để chà gạo ăn là xót xa lắm! Mấy ông chủ nợ cứ chực chờ vì phần lớn dân làm lúa đều mượn vốn gối đầu với lái”.

Theo ông Sáu Tâm, một nông dân kỳ cựu ở xã Mỹ Nhơn thì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều vô tư lên giá. Đến ngày thu hoạch phải thuê người phụ vận chuyển cũng 150.000 đồng/ngày; tiền thuê gặt và chuyển lên bờ mất 430.000 đồng/công, nếu ruộng ở xa và nhà cũng xa bờ kênh thì buộc phải thuê ghe, xe tốn thêm 200.000 đồng nữa thì 1 công lúa (bán khoảng 5,6 triệu đồng) kia mới về đến sân nhà. Suốt lúa cũng mất thêm 60.000 đồng/công nữa.

“Hiện nay, ở Ba Tri, nhà nông dân nào cũng có nuôi bò. Vì vậy, việc mang rơm về nhà nuôi bò và sau đó bán bò để bù chi phí lỗ lã… là rất cần thiết” - nông dân này phân tích.

Hầu hết thương lái ở đây đều là dân địa phương, họ mua ở ruộng, sau đó sang tay cho các kho chế biến lương thực, đại lý chủ vựa trên địa bàn. Họ sẽ hưởng phần chênh lệnh từ 100-200 đồng/kg lúa.

Ông Nguyễn Thành Lâm khẳng định: “Hiện nay, việc mua bán của bà con chỉ dựa vào thỏa thuận với các thương lái tự do nên sự thiệt thòi là khó tránh khỏi. Nhà kho rất lớn của Công ty Lương thực Bến Tre nằm ngay tại xã Mỹ Chánh nhưng chưa hề có việc thực hiện chính sách thu mua tạm trữ”.

Phải mạnh dạn áp dụng giống mới

Việc sử dụng giống lúa thuần chủng nguyên thủy và cấp độ xác nhận một (được hỗ trợ tiền giống 30%) trong mô hình nhân lúa giống của Trung tâm Giống nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thí điểm cho Tổ hợp tác lúa giống ở xã An Hiệp và những hộ dân có nhu cầu tại các xã lân cận vùng dự án.

Hiện loại lúa OM 1250, OM 1352... này có giá bán từ 6.000-6.200 đồng/kg, người trồng có lãi. Thời gian tăng trưởng chậm (hơn 4 tháng) nên chỉ có thể trồng 2 vụ/năm, với giá giống cao gấp 2,5 lần so với giống ngắn ngày trồng được 3 vụ/năm nên bà con vẫn chưa mặn mà với giống lúa này.

“Tuy nhiên đây là giống lúa thuần chủng, khó bị lai. Nếu bà con đồng loạt canh tác loại lúa này thì có thể làm chủ được thị trường, bởi không ngại cạnh tranh với các địa phương khác của đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, đây là loại lúa đủ tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu.

Vì vậy, trước khi công tác quy hoạch có hiệu quả thật sự, đầu ra thị trường được ổn định, trước mắt bà con nên mạnh dạn áp dụng giống mới cũng như áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản làm ra” - ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện khuyến cáo.


Thoát Nghèo Nhờ Trồng Dưa Leo Thoát Nghèo Nhờ Trồng Dưa Leo Điều Ghép Cho Năng Suất Cao Điều Ghép Cho Năng Suất Cao