Nông dân còn thờ ơ với cơ giới hóa nông nghiệp
Ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), nông dân dùng sức kéo của trâu để san bằng mặt ruộng. Ảnh: P.Đ
Trồng lúa theo kiểu thủ công
Trồng lúa là một trong những thế mạnh của ngành Nông nghiệp tỉnh, nhưng lâu nay, không ít nông dân vẫn còn sản xuất thủ công theo tập quán truyền thống. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi. Phần lớn nông dân vẫn còn thờ ơ với các máy móc trong khâu gieo sạ. Thay vì sử dụng máy sạ hàng, máy gieo hạt trên diện rộng thì nông dân vẫn dùng phương pháp sạ tay truyền thống.
Ông Bùi Văn Quí (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) nói: “Từ trước đến nay, nông dân ở đây sạ tay và không ai dùng máy gieo sạ hàng. Họ cho rằng máy sạ hàng sạ lúa rất thưa, cho năng suất thấp. Ngoài ra, việc đầu tư máy móc sẽ tăng thêm chi phí mà chưa biết hiệu quả đến đâu, đặc biệt là đối với những hộ ít đất sản xuất”. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì sạ tay vừa mất thời gian vừa làm tăng chi phí (vì tiêu tốn một lượng lớn lúa giống).
Trên thực tế, số lượng máy móc, trang thiết bị phục vụ cho 3 khâu chính của nông nghiệp là trước, trong và sau thu hoạch vẫn còn hạn chế. Theo thống kê mới nhất từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có 2.478 máy làm đất, 158 lò sấy lúa. Đặc biệt, trong khâu thu hoạch lúa, với 240 máy gặt đập liên hợp thì chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của nông dân. Vì thế cứ đến mùa thu hoạch, bà con phải chờ vào lượng máy gặt đập từ các tỉnh khác đến. Theo ông Dương Chí Thanh (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh): “Trong sản xuất lúa, nông dân còn hạn chế việc tiếp cận máy móc, nhất là khâu gieo hạt và chế biến. Phần lớn lúa sau thu hoạch đều được bà con bán tươi nên giá thành rất thấp. Nếu có phơi sấy thì chất lượng lúa cũng chưa cao”.
Nông sản thất thoát
Vấn đề giảm thất thoát trong khâu thu hoạch và chế biến nông sản chất lượng cao được các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến (như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ…) quan tâm. Việt Nam là một trong những vựa lúa xếp loại lớn nhất, nhì thế giới, song công nghệ thu hoạch lúa vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đánh giá: “Tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch nông sản của chúng ta hiện nay dao động từ 10 - 12% (tùy theo từng vụ lúa), và tỷ lệ này vẫn nằm ở mức cao. Cứ 100kg lúa, sau khi qua các khâu gặt đập, làm khô, vận chuyển, bảo quản, xay xát sẽ bị thất thoát từ 10 - 12kg. Người Mỹ khi thu hoạch lúa mì thì sẽ chế biến thành bột mì ngay trên cánh đồng; hay máy thu hoạch ngô của họ có thể đóng gói hạt ngô sấy khô ngay trên rẫy… Họ làm được như vậy vì máy móc hiện đại, rút ngắn từ khâu thu hoạch đến chế biến chỉ trong một công đoạn. Từ đó cho thấy chúng ta cần đầu tư máy móc cho nông nghiệp nhiều hơn nữa”.
Còn ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho rằng: “Những giải pháp mà nông dân có thể áp dụng để giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch gồm: tập trung cải tạo đất làm phẳng mặt ruộng; chọn giống lúa cứng cây ít đổ ngã; bón phân cân đối theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng nhiều máy móc vào sản xuất; đẩy mạnh hợp tác làm ăn tập thể và liên kết với các nhà khoa học”.
Cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, trong tương lai, nông nghiệp công nghệ cao sẽ giữ vai trò quan trọng. Thiết nghĩ, ngành quản lý cần có những giải pháp kịp thời đưa nông nghiệp phát triển theo hướng từng bước hiện đại hóa. Bởi, việc làm này không chỉ phản ánh trình độ sản xuất, mà hơn hết là giúp nông dân làm ra nông sản sạch, tăng năng suất và giảm chi phí, cho lợi nhuận cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ