Mô hình kinh tế Nông Dân Góp Vốn Làm Trang Trại

Nông Dân Góp Vốn Làm Trang Trại

Ngày đăng 04/04/2014

Nông Dân Góp Vốn Làm Trang Trại

Nhận thấy tiềm năng kinh tế lớn từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, 12 hộ nông dân ở xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã góp vốn để chăn nuôi lợn, gà, cá theo quy mô lớn.

Xuất phát điểm từ đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi, năm 2009 ông Nguyễn Cải (thôn Chàm, xã Xuân Sơn) đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá quy mô lớn.

Từ thành công của kinh tế hộ

Nghiên cứu nhu cầu thị trường, ông Cải đầu tư nuôi lợn siêu nạc, gà thả vườn theo mô hình khép kín. “Với đầu tư không hề nhỏ, lại chưa từng chăn nuôi quy mô lớn, đây là thách thức lớn đối với tôi. Trước khi làm, tôi phải đến các trại chăn nuôi lớn, nhỏ trong và ngoài huyện để học hỏi kinh nghiệm” - ông Cải tâm sự.

Để giảm chi phí thuê nhân công, ông xây dựng quy trình chăn nuôi tự động từ lồng úm, hệ thống nước uống đến cho ăn. Nhờ vậy, năm 2009 – 2010, khi dịch tai xanh bùng phát tại nhiều nơi nhưng trại chăn nuôi của ông không có lợn mắc dịch.

Về thị trường tiêu thụ, ông Cải cho biết, ban đầu, ông xuống Hà Nội tìm các lò mổ để tìm mối bán. Dần dần, tiếng lành đồn xa, thương lái khắp nơi tìm đến trang trại của ông mua hàng.

“Để bán lợn giá cao, tôi chỉ xuất chuồng lợn trọng lượng dưới 100kg. Nếu lợn to, khổ thịt dày, sẽ bị thương lái ép giá. Một kinh nghiệm nữa trong quá trình chăn nuôi là không nên đầu tư ồ ạt sẽ nhiều rủi ro” - ông Cải chia sẻ.

Mỗi năm ông xuất 3 lứa lợn khoảng 500 con, tương đương 150 -170 tấn thịt, ông thu về hàng trăm triệu đồng; cộng với 3.000 con gà đẻ trứng và một ao cá, tổng doanh thu hàng năm của ông đạt gần 1 tỷ đồng.

Đến góp vốn cùng làm ăn

“Thành công với mô hình kinh tế hộ gia đình, tôi nghĩ đến việc liên kết các hộ chăn nuôi trong xã để sản xuất tập trung, chủ động về thị trường tiêu thụ, chia sẻ rủi do trong sản xuất…”- ông Cải nói về lý do ra đời mô hình kinh tế tập thể.

"Cái được lớn nhất của việc tham gia mô hình kinh tế tập thể, đó là các hộ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, lợi nhuận và cả rủi ro”.Ông Nguyễn Cải

Sau khi lấy ý kiến của các hộ chăn nuôi và thông qua Hội ND xã, tháng 11.2013, ông Cải đứng ra thành lập mô hình kinh tế tập thể phát triển theo hướng trang trại, gồm 12 thành viên, chăn nuôi tập trung trên diện tích 2ha. Với mô hình này, ông Cải đảm nhận vai trò chủ nhiệm.

Ông có trách nhiệm giám sát, quản lý các thành viên cũng như hoạt động của mô hình, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Vốn của mô hình là 7 tỷ đồng, trong đó của chủ nhiệm là 70%, còn lại là của 11 thành viên. Kết thúc mỗi đợt thu hoạch, lợi nhuận và thiệt hại chia theo tỷ lệ 70/30 (chủ nhiệm 70%, 11 thành viên 30%).

Ông Cải cho hay, tham gia mô hình kinh tế tập thể, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, lợi nhuận theo vốn đóng góp. Mỗi tháng, nhóm sinh hoạt một lần để rút kinh nghiệm những tồn tại trong chăn nuôi cũng như bàn bạc để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Đến nay, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, mô hình này đã chứng tỏ sự ưu việt của nó, đó là giá bán sản phẩm của các hộ đều tăng, trong khi thị trường tiêu thụ khó khăn.

Ông Lê Mạnh Lợi- Chủ tịch Hội ND xã cho biết: “Ủng hộ mô hình, đầu năm 2014, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của T.Ư Hội, Hội ND xã đã cho 12 thành viên tham gia mô hình kinh tế tập thể vay 500 triệu đồng, thời gian vay 3 năm”.


“Thầy” Của Người Nuôi Ong Mật “Thầy” Của Người Nuôi Ong Mật Thiếu Vắng Giống Nội, Đồng Ruộng Việt Nam Ngập Tràn Giống Ngoại Thiếu Vắng Giống Nội, Đồng Ruộng Việt Nam…