Nông dân Hậu Giang trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá thát lát
Với nghề nuôi cá thát lát cườm mà anh Phạm Lâm Em, 38 tuổi, ngụ khu vực V, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang trở thành tỷ phú. Năm 2017, anh thu 80 tấn cá thát lát cườm đặc sản bán với giá rất cao là 90.000 đồng/kg, lời tới 3 tỷ đồng...Năm 2018 này, ước chừng anh Em cũng có số tiền lời như vậy nhờ loài cá đặc sản này.
Chỉ mới qua 2 năm trúng cá thát lát cườm mà anh Phan Lâm Em đã có tiền tỷ, trở thành tỷ phú từ loài cá này.
Không mấy khó khăn để chúng tôi tìm được nhà của tỷ phú Phạm Lâm Em, bởi nông dân tại địa phương rất rành rẽ và ngưỡng mộ cách làm giàu của người thanh niên này với mô hình nuôi cá thát lát cườm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lâm Hoàng Lợi, trưởng trạm khuyến nông thị xã Ngã Bảy nhận xét: “Anh Em có cách nuôi cá thát lát cườm rất bài bản, khoa học, chi phí đầu tư luôn thấp hơn nhiều so với những hộ nuôi khác nhưng cá của anh rất mau lớn, tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 30%, trong khi những hộ khác con số này từ 40 đến 50%, từ đó tiền lời mang về rất cao”.
Lý giải về điều này, anh Phạm Lâm Em cho biết: “Thát lát là loài cá dễ nuôi hơn một số cá khá như cá tra, cá lóc, cá trê..., đặc biệt cá có khả năng tự phòng bệnh rất cao nên người nuôi rất nhẹ công chăm sóc. Loại cá nầy nếu cho ăn đầy đủ, đúng giờ, đúng lượng thì lớn rất nhanh lại mang hiệu quả kinh tế cao”.
Gia đình anh Phan Lâm Em thu hoạch cá thát lát cườm, xuất bán cho thương lái.
Anh Lâm Em nói thêm về kinh nghiệm nuôi cá thát lát cườm: "Để nuôi cá thát lát thành công, cần phải cải tạo ao thật kỹ, diệt sạch cua và cá tạp, thả nuôi với mật độ vừa phải, chất lượng cá giống phải đồng đều và khỏe mạnh. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Riêng bản thân tôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín, chất lượng cao từ tỉnh An Giang...".
Xuất thân từ tỉnh Bến Tre sang Hậu Giang lập nghiệp, từ năm 2009 anh Em chọn mô hình nuôi cá lóc và cá rô trên diện tích 2.000m2 ao mương nhà. Từ năm 2014, qua nghiên cứu nhiều tư liệu, trực tiếp đi tham quan và nghiên cứu thị trường, anh Em quyết định thả nuôi cá thát lát cườm. Ở những năm 2015, 2016 nguồn lãi mỗi năm anh có được từ cá thát lát cườm chỉ xấp xỉ 200 triệu đồng.
Đầu năm 2017, nhân đà thắng, anh thuê thêm 4.000m2 mặt nước với giá 30 triệu đồng/năm để thả nuôi cá thát Lát cườm do anh nhận định giá loài cá này sẽ tăng đột biến bởi đang trong giai đoạn cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, anh còn nuôi ghép thêm cá sặc rằn trong ao cá thát cườm để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa và lọc sạch môi trường nước trong ao tạo môi trường sống tốt cho con cá.
Mỗi ao nuôi, anh Lâm Em thiết kế đúng tiêu chuẩn về chiều ngang, dọc, đặc biệt luôn giữ mực nước trong ao phải từ 2,5-3m. Cá thát lát cườm chỉ sau 8 tháng thả nuôi là có thể xuất bán. Thị trường tiêu thụ cá thát lát cườm nhiều nhất của anh Lâm E, là TP. HCM, TP Cần Thơ, Hậu Giang. Điều rất lạ là thương lái rất chuộng mua cá có trọng lượng từ 200-700 gam/con vì dễ chế biến các loại món ăn.
Kéo lưới thu hoạch cá thát lát cườm tại ao nuôi của gia đình anh Phạm Lâm Em.
Thật đúng như nhận định của anh Phan Lâm Em, giá bán cá thát cườm từ 30.000 đồng/kg ( trong 2 năm 2015, 2016) đã tăng vọt đến 90.000 đồng/ka ( năm 2017). Với tổng sản lượng thu hoạch trên 80 tấn cá thát lát cườm năm 2017, trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư, anh Lâm Em có lãi trên 3 tỷ đồng-một con số quá đẹp và lý tưởng với một nông dân trẻ chỉ với 6.000m mặt nước nuôi thủy sản ở vùng Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Năm 2018, anh Em tiếp tục nuôi cá thát lát cườm nhưng thu hẹp diện tích chỉ còn 4.000m2, 2.000m2 còn lại anh thả nuôi cá trê vàng lai và ước tính sẽ thu lãi tương đương năm 2017.
Lý giải về sự có mặt của 70.000 cá trê vàng lai trong ao nuôi, anh Lâm Em cho biết: “ Dự đoán năm nay giá cá thát lát sẽ xuống còn từ 80.000 đến 82.000 đồng/ka ( giảm khoảng 10.000 đồng/kg), và để tránh tình trạng “ dội chợ” nên tôi chuyển sang nuôi thêm cá trê vàng lai. Và trên thực tế, giá cá thát lát cườm đang diễn ra như tôi dự đoán”.
“Anh Phan Lâm Em là nông dân năng động, nhạy bén, nắm chắc nhu cầu của thương trường, áp dụng bài bản các biện pháp kỹ thuật nuôi thủy sản tiên tiến, không chạy theo những mô hình kém bền vững, khó tiêu thụ đầu ra. Anh cũng rất nhiệt tình tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thủy sản với những bà con muốn học hỏi...", Trưởng trạm Khuyến Nông TX Ngã Bảy Lâm Văn Lợi nhận xét về anh Phan Lâm Em.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ