Mô hình kinh tế Nông Dân Học Nghề - Thay Đổi Cách Làm Nông Nghiệp

Nông Dân Học Nghề - Thay Đổi Cách Làm Nông Nghiệp

Ngày đăng 10/03/2012

Nông Dân Học Nghề - Thay Đổi Cách Làm Nông Nghiệp

Trong vòng 5 năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm (Hội Nông dân Phú Yên) đã mở 77 lớp dạy nghề với tổng số lao động được đào tạo là 3.345 người. Riêng năm 2011, trung tâm đã mở 6 lớp cho 200 nông dân và tư vấn cho 500 lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Các nghề được đào tạo chủ yếu là chăn nuôi- thú y, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, BVTV... 
Kết quả sau khi học nghề, người lao động đã có những thay đổi rõ rệt trong cách thức trồng trọt, chăn nuôi như biết bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp, sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, đưa các giống mới, cây trồng mới cho năng suất cao. 
Ông Võ Hữu Sung, GĐTT Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Việc dạy nghề hiện nay dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Trong quá trình dạy chúng tôi luôn đưa những kiến thức nông dân thực sự cần, giảng dạy ngắn gọn, dễ hiểu, đi đôi với thực hành tại chỗ. Vì thế họ áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn rất hiệu quả. 
Các xã Sơn Nguyên, Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) vốn có nghề trồng mía nhưng SX theo phương thức lạc hậu, giá mía lại không ổn định, năng suất thấp nên thường bị lỗ vốn. Qua các lớp học về trồng trọt người dân đã nắm bắt được kỹ thuật canh tác, từ khâu chọn giống đến chăm sóc, năng suất mía nâng lên rõ rệt. 
Tiêu biểu là ông Cao Đức Miên, thôn Sơn Nguyên, nhờ học lớp trồng mía cao sản đã giúp ông thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên khá giả. "Trước đây, những năm được mùa ruộng mía nhà tôi chỉ cho năng suất khoảng 30- 40 tấn/ha, sau khi trừ chi phí thì chẳng lãi là bao. Nhưng sau khi học kỹ thuật trồng mía cao sản tôi đã mạnh dạn đầu tư giống mía mới, nên năng suất, chữ đường ngày càng tăng. Với 10 ha mía, bình quân đạt khoảng 70- 100 tấn/ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng", ông Miên bộc bạch. 
Tương tự, nhiều nông dân trồng rau ở xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, nhờ được học cách sử dụng thuốc BVTV đã phân biệt được công dụng của từng loại thuốc, nhận biết các loại thiên địch đối với cây trồng ở từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, kỹ thuật sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả… Áp dụng vào SX đã giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường; tạo được thói quen sử dụng đúng thuốc, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng liều lượng.

Theo Sở LĐ-TB&XH Phú Yên,  mục tiêu giai đoạn 2011- 2015 là đào tạo nghề cho 52.000 lao động nông thôn, trong đó học nghề nông nghiệp 20.800 người, chiếm tỷ lệ 40%; phi nông nghiệp 31.200 người, chiếm 60%. Tỷ lệ có việc làm sau khi học tối thiểu đạt 70%. 
Ông Nguyễn Thanh Liêm, thôn Ngọc Phước, xã Bình Ngọc cho biết: Từ khi học lớp BVTV, tôi đã biết cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý. Khi áp dụng việc trồng rau thì hiệu quả mang lại rất cao, thu hoạch đúng thời gian; vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tạo ra các sản phẩm sạch, bớt chi phí SX gần một nửa so với trước kia.  
Theo ông Võ Hữu Sung, dựa vào lợi thế SX đặc thù của từng địa phương, căn cứ nguyện vọng của bà con mà trung tâm mở lớp. Tuy nhiên không phải nông dân nào sau khi học nghề cũng biết vận dụng kiến thức đã học vào SX hiệu quả. Bởi có nhiều lý do như: Trình độ học vấn thấp nên việc tiếp thu TBKT có phần hạn chế. Một bộ phận chưa nhận thức được việc học có ích cho bản thân nên còn đòi hỏi chế độ... 
Mặc khác, với những người nghèo thì đồng vốn rất hạn hẹp nên việc vận dụng kiến thức đã học vào SX gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, những nơi mà chính quyền địa phương quan tâm trong công tác dạy nghề cho nông dân, thì nơi đó bà con tham gia học nghề đầy đủ. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân sau khi học nghề được vay vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện ứng dụng những gì mình đã học. Như vậy công tác đào tạo nghề mới hiệu quả.


Gặp Người Đầu Tiên Nuôi Yến Theo Mô Hình Công Nghiệp Gặp Người Đầu Tiên Nuôi Yến Theo Mô… Phân Bón - Thừa Nguồn Cung, Khó Lựa Chọn Phân Bón - Thừa Nguồn Cung, Khó Lựa…