Nông dân học tập kinh nghiệm sản xuất lúa thông minh tại Thái Lan
Khép lại vụ hè thu triển khai thành công chương trình Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; trung tuần tháng 11 vừa qua, Cty CP Phân bón Bình Điền đã tổ chức đưa gần 80 người, là cán bộ khuyến nông, nhà khoa học nông nghiệp và nông dân sản xuất giỏi tại các mô hình ở 13 tỉnh ĐBSCL đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất lúa tại Thái Lan.
Công tác khuyến nông của Thái Lan rất mạnh
Ông Phan Huy Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, nền nông nghiệp của Thái không lớn, nhưng chính sách khuyến nông của họ rất mạnh. Hằng năm chính phủ chi cho khuyến nông đến 150 triệu USD, nếu chia cho số hộ sản xuất nông nghiệp cả nước thì mỗi hộ có 6 triệu đồng; trong khi ở ta chỉ có 50 ngàn đồng/hộ/năm.
Trung tâm Kiểm soát sinh học các cấp của họ làm cả nghiên cứu, huấn luyện, chuyển giao và làm dịch vụ. Một trung tâm cấp vùng, phụ trách 9 tỉnh mà chỉ có 33 nhân sự, trong đó chỉ có 9 người là nhân viên nhà nước, còn lại là hợp đồng dài hạn, ngắn hạn và 10 công nhân. Cán bộ kỹ thuật thường phải đi công tác các tỉnh, 10 công nhân đều làm thành thạo việc nuôi cấy, nhân giống, phát triển thiên địch và hướng dẫn, chuyển giao cho cấp dưới. Không thấy người làm hành chính đơn thuần.
Họ làm chặt chẽ, kiên trì, liên tục. Ông Võ Quốc Trung, Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đưa ra ví dụ cách đây gần chục năm, ở Thái có dịch sáp hồng trên cây sắn; họ tập trung diệt, chủ yếu dùng thiên địch do họ nuôi cấy. Dịch bệnh được khống chế, nhưng người ta không coi vậy là xong mà tiếp tục duy trì các biện pháp quản lý sinh học đến nay. Trong khi ở ta năm 1996- 1997 bùng phát dịch rầy nâu gây hại nặng nề cho sản xuất lúa ở ĐBSCL, ta cũng tập trung khống chế dịch bằng nhiều biện pháp, trong đó có dùng nấm xanh, nấm hồng, phóng thích ong ký sinh vào môi trường… Kết quả tốt. Dịch rầy nâu bị dập tắt, nhưng sau đó ta đã “rửa tay gác kiếm”, coi như xong, nên nguy cơ tái dịch là rất lớn.
Bà Lê Thị Cẩm Nhung, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thới Lai, Cần Thơ, so sánh: “Ở Thái họ gắn rất chặt giữa khuyến nông và bảo vệ thực vật, không tách rời như bên ta. Ở ta nông dân đang còn rất nặng nhận thức sử dụng thuốc BVTV hóa học, cho chắc, nhìn thấy hiệu quả liền, bất chấp hậu quả cho sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và cho cả môi trường sinh thái. Còn nếu áp dụng các biện pháp sinh học trong canh tác phải có thời gian, không chừng thất mùa thì…đói”.
“Thái Lan rất có điều kiện áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ, sinh học. Ta bây giờ dù có chậm, nhưng cũng đã đến lúc phải làm rồi. Phải quy hoạch lại ngành trồng lúa thật căn cơ, khoa học để có điều kiện tập trung sản xuất những giống lúa thơm chất lượng cao và áp dụng các biện pháp quản lý hữu cơ, để có thương hiệu hạt gạo Việt nổi bật trên thị trường thế giới”, ông Lê Thanh Tùng, Phó phòng Cây lương thực, cây thực phẩm, Cục Trồng trọt nhìn nhận.
Thái Lan có hơn 10 triệu ha đất trồng lúa, gấp hơn 2 lần Việt Nam, trong khi dân số của họ chỉ bằng 2/3 dân số Việt Nam. Họ có điều kiện tập trung một số lượng diện tích đất để sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao, bán ra thế giới với hơn 250 thương hiệu; chấp nhận năng suất lúa bình quân rất thấp (trên dưới 2,5 tấn/ha) và chỉ trồng 1 vụ/năm.
Để nông dân thông minh hơn
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Makerting Bình Điền, chia sẻ, sau những lần tổ chức nông dân đi tham quan, học tập tại Viện lúa quốc tế ở Philippine, lần này sang Thái Lan, một nước có điều kiện sản xuất lúa rất gần gũi với Việt Nam, giúp nông dân tiếp cận một cách làm mới trong canh tác lúa. Từ những gì mắt thấy, tai nghe Bình Điền mong muốn ngoài bón phân cân đối, giảm lượng phân vô cơ thì nông dân phải biết ứng dụng các biện pháp kiểm soát bằng sinh học, nâng cao chất lượng nông sản, giảm ô nhiễm môi trường, như Chương trình canh tác lúa thông minh mong muốn”.
Ông Phạm Văn Phụ, ở xã Huyền Hợi, huyện Càng Long, Trà Vinh rất phấn khởi bởi ngoài 60 tuổi rồi ông mới được đi nước ngoài, lại được tham quan, học hỏi về cái nghề “ruột” của mình là trồng lúa. Ông thấy nhiều cái người Thái họ làm rất hiệu quả, như dùng con thiên địch, mà con này được họ nuôi cấy, sản xuất hàng loạt rồi tung ra môi trường, chứ không chỉ trong cậy vào thiên nhiên để diệt trừ sâu hại thay cho xịt thuốc hoá học. “Cái này các nhà khoa học, quản lý của ta phải tính, phải chuẩn bị cho nông dân, mà phải làm nhanh, làm mạnh lên, chớ nông dân tụi tui không làm được.
Còn xem họ làm ruộng thì nông dân xứ mình đâu có thua kém gì. Mình muốn có năng suất cao, làm tới 3 vụ/năm nên phải xài thiệt nhiều phân và thuốc trừ sâu hóa học. Nếu nhà nước có chính sách cụ thể thì nông dân tụi tui sẵn sàng làm ít vụ, chọn giống lúa tốt, áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ, sinh học, chấp nhận năng suất lúa không cao để có hạt gạo chất lượng cao cho tiêu dùng và xuất khẩu thôi”, ông Phụ khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ