Mô hình kinh tế Nông Dân Huyện Bình Đại Ứng Dụng Thành Công Chế Phẩm Sinh Học Trong Canh Tác Tôm – Lúa Và Tôm – Rạ

Nông Dân Huyện Bình Đại Ứng Dụng Thành Công Chế Phẩm Sinh Học Trong Canh Tác Tôm – Lúa Và Tôm – Rạ

Ngày đăng 05/09/2014

Nông Dân Huyện Bình Đại Ứng Dụng Thành Công Chế Phẩm Sinh Học Trong Canh Tác Tôm – Lúa Và Tôm – Rạ

Trong những năm qua, nghề nuôi tôm trên địa bàn huyện Bình Đại phát triển rất nhanh, qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn và từng bước làm giàu cho địa phương.

Tuy nhiên, nếu nuôi tôm với hình thức thâm canh liên tục thì ao tôm bị ô nhiễm, mầm bệnh phát sinh ngày càng nhiều và xuất hiện nhiều rủi ro, do đó nhiều nông dân đã đưa cây lúa trở lại luân canh với nuôi tôm. Nắm bắt được nhu cầu thực tế của nông dân, tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Bình Đại đã kết hợp với Công ty Hợp danh sinh học nông nghiệp Sinh Thành cùng với lãnh đạo địa phương và nông dân ở các xã tiểu vùng I,II,III và IV đầu tư nghiên cứu ứng dụng sinh học vào thực tiễn canh tác tôm – lúa và tôm – rạ, với mục tiêu: ứng dụng sinh học trong nuôi tôm xen canh ruộng lúa, tận dụng nguồn hữu cơ ( rơm, rạ, cỏ) sẵn có chuyển hóa thành thức ăn tự nhiên cho tôm để nuôi tiếp vụ tôm – rạ vào mùa nước mặn và bồi dưỡng cho đất, đặc biệt không sử dụng hóa chất độc hại, chất kháng sinh trong vụ nuôi tôm và không sử dụng thuốc phòng trừ sâu, bệnh hóa học trên cây lúa.

Theo đó, tham gia thực hiện thí điểm mô hình có 14 hộ, ở 6 xã gồm: Phú Vang, Định Trung, Thị Trấn, Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc và Bình Thắng, tổng diện tích canh tác là 21,7 ha, trong đó canh tác mô hình tôm - lúa 7,4 ha; canh tác mô hình tôm – rạ 14,3 ha.

Trong đó, các hộ tham gia thí điểm có điều kiện canh tác 1 vụ lúa – tôm vào mùa nước ngọt và 1 vụ tôm – rạ vào mùa nước mặn, có hệ thống bờ bao, cống điều chỉnh nước để chủ động nguồn nước, đặc biệt thống nhất sử dụng chế phẩm sinh học và ứng dụng kỹ thuật do Công ty Hợp Danh sinh học nông nghiệp Sinh Thành hướng dẫn. Thời gian thực hiện đến tháng 8/2013.

Đối với mô hình lúa - tôm, trong giai đoạn canh tác dựa vào tình hình thực tế sản xuất của nông dân trong khâu xuống giống, bón phân, riêng tôm, cá nông dân lấy ngoài môi trường tự nhiên vào ruộng, trước khi nhổ mạ 1 ngày phun thuốc Sinh Thành 1, giúp lúa ra rễ nhanh, mau phục hồi xanh sau cấy và hấp thụ phân bón tốt, hạn chế sâu bệnh mà tôm, cá trong lúa phát triển nhanh.

Kết quả, hơn 6 tháng thực hiện, năng suất lúa đạt khoảng 4,5 tấn/ha, nguồn thu từ tôm, cá từ 2 triệu đến 10 triệu đồng. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Phèn, ở xã Định Trung; hộ ông Nguyễn Văn Dứt, ở xã Thạnh Trị.

Đối với mô hình tôm – rạ, sau khi thu hoạch lúa, nông dân giữ gốc rạ, xả cạn nước, thu hết tôm, cá trong ruộng, chọn con nước mặn nhất lấy vào ruộng qua lưới lọc.

Sau đó sử dụng phân tôm – rạ của Công ty, liều lượng 15kg/1công rải vào nơi có rạ, khoảng 1 tuần tiến hành thả tôm sú giống, lượng giống từ 4-8 con/m2. Trong quá trình nuôi, nông dân không phải cho tôm ăn vì trong phân tôm – rạ có đủ 3 thành phần khoáng, tảo silic và vi sinh, đã chuyển gốc rạ thành thức ăn cho tôm.

Khi tôm được 60 ngày tuổi, nông dân chỉ bổ sung thêm nhiều cụm rơm vào ruộng và rắc thêm phân tôm – rạ từ 5 – 10kg/1công xung quanh cụm rơm đã rải. Kết quả, qua theo dõi các ruộng nuôi đều có màu nước đẹp, không có rong, tôm nuôi phát triển tốt, lớn nhanh, tôm 1 tháng 22 ngày tuổi đạt từ 80 – 90 con/1kg, giá bán 75.000 đồng/1 kg; tôm 2 tháng tuổi đạt 42 con/1kg, giá bán 130.000 đồng/kg; lợi nhuận sau thu hoạch đạt từ 9 triệu đến 40 triệu đồng, tùy vào diện tích thả của từng hộ.

Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Tròn, ở xã Thạnh Phước; hộ bà Mai Thị Hồng Hoa, ở xã Bình Thắng; hộ ông Lê Thành Thống, ở xã Thạnh Phước và hộ Lê Văn Hậu, ở xã Đại Hòa Lộc.

Theo Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Đại cho biết: Trạm thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật theo dõi màu nước định kỳ 2 tuần/1 lần; đối với mô hình tôm – lúa độ pH đạt từ 6,6 – 7,6; đối với mô hình tôm – rạ độ pH đạt từ 7,6 – 8,2. Riêng định mức phân tôm – rạ là 6 bao (25kg/1bao) cho 1 ha mặt nước nuôi; thuốc hữu cơ Sinh Thành 1 là 10 chai ( 480 cc); thuốc hữu cơ Sinh Thành 2 là 2 chai ( 480 cc); thuốc Amino 2 chai ( 480 cc); thuốc Trắng xanh 4 gói; thuốc Tiên Tiến 4 gói và cộng hợp 1 gói ( 100 gam).

Từ những kết quả bước đầu mang lại hiệu quả cao, hầu hết bà con nông dân đã đề nghị Công ty Hợp Danh sinh học nông nghiệp Sinh Thành và Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho nông dân xây dựng mô hình tôm – lúa, tôm – rạ, đặc biệt là mô hình tôm – cỏ nhằm tận dụng triệt để nguồn rơm, rạ, cỏ sẵn có ở địa phương, từng bước giảm chi phí đầu vào, loại bỏ những loại phân, thuốc hóa học gây độc hại, góp phần tăng thu nhập kép cho nông dân và bảo vệ môi trường.


Một Số Vấn Đề Cần Lưu Ý Để Có Giống Tôm Sú Chất Lượng Tốt Một Số Vấn Đề Cần Lưu Ý Để… Một Số Giải Pháp Nhằm Hạn Chế Dịch Bệnh Xảy Ra Trên Tôm Biển Vào Đầu Vụ Nuôi Năm 2014 Một Số Giải Pháp Nhằm Hạn Chế Dịch…