Nông dân kiếm tiền tỷ mỗi năm từ tôm thẻ
Luôn tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, nhưng anh Lê Đình Hải, ở xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là người đi đầu trong việc cho tôm sú, hàu, cá bống bớp sinh sản thành công tại địa phương. Với mô hình nuôi tôm mới của mình, mỗi năm mang lại nguồn thu trên dưới 1 tỷ đồng.
Theo anh Hải chia sẻ, nuôi tôm trong bể xi măng tuy không được số lượng nhiều nhưng dễ phát hiện và xử lý nhanh dịch bệnh, ít bị ô nhiễm
Năm 1998, sau khi xuất ngũ, anh Hải xin vào làm việc ở Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng nuôi trồng thủy sản thuộc Viện nuôi trồng Thủy sản, đóng tại tỉnh Bình Thuận.
Đến năm 2000, anh quyết định về quê và xin vào làm việc tại Công ty dịch vụ nuôi trồng thủy sản Thanh Hóa.
Mặc dù không có bằng cấp chuyên môn nhưng nhờ những năm học hỏi thực tế tại Bình Thuận, anh Hải mạnh dạn đề xuất đưa 12 cặp tôm sú bố mẹ về cho sinh sản tại trại giống Hải Bình (Tĩnh Gia).
Ý tưởng của anh được lãnh đạo Công ty chấp thuận và kết quả thành công ngoài mong đợi. Tiếng lành đồn xa, nhiều trại nuôi ở các địa phương tìm đến học hỏi kinh nghiệm và du nhập tôm sú về cho sinh sản.
Sau đó, anh Hải xin nghỉ việc để vào làm ở một số trại giống tại Nghệ An. Nhưng rồi, khi tôm thẻ chân trắng du nhập, giống tôm sú bão hòa, người dân bắt đầu chuyển đối tượng nuôi mới.
Anh Hải lại “thất nghiệp” và tìm đến địa phương khác để học nghề mới.
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng của anh Lê Đình Hải.
Năm 2003, nghe thông tin ở Nam Định có nghề nuôi cá bống bớp, anh lại khăn gói đi học hỏi. Chỉ sau gần nửa năm làm thuê, anh Hải đã học được kinh nghiệm cho cá bống bớp sinh sản. Khi đã “dắt lưng” được vốn kinh nghiệm về nghề nuôi cá bống bớp, anh Hải lại chuyển về trại nuôi ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa làm việc.
Tại đây, anh đã tìm ra quy luật sinh sản của loài cá bống bớp. Hàng năm anh đã cho ra đời khoảng 5-6 triệu con cá giống. Năm 2011, anh Hải còn tự mày mò cho hàu, ngao sinh sản thành công.
Với ý chí và nghị lực của mình, anh đã giúp cho trang trại nuôi trồng thủy sản của ông Mai Xuân Tạc, ở xã Nga Tân, huyện Nga Sơn ăn nên làm ra.
Sau những năm tháng lăn lộn với nghề, năm 2017, khi đã có chút vốn liếng, anh Hải quyết định quay về xã Hải Hòa để lập nghiệp.
Với suy nghĩ táo bạo, nhìn xa trông rộng, anh Hải đã tìm tòi, nghiên cứu mô hình nuôi tôm trong bể xi măng. Ban đầu, anh Hải xây dựng 10 bể nuôi với tổng diện tích khoảng 360 m2.
Nhờ chủ động trong việc xử lý nguồn nước nên mỗi năm anh Hải có thể nuôi 3 vụ tôm.
Bể được thiết kế có mái che, sục khí. Nước biển sau khi cho vào bể, được diệt khuẩn, anh Hải dùng men sinh học do mình tự ủ kết hợp với chế phẩm sinh học để lọc nước, gây màu ao.
Sau khi bể hoàn thành, anh thả tôm thẻ chân trắng với mật độ 300 con/m2. Khi thời tiết nắng nóng, nhờ có hệ thống bạt che, tôm nuôi trong bể xi măng được làm mát và mùa đông được làm ấm. Nhờ vậy, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh.
Với sự mạnh dạn của mình, năm đầu tiên, anh Hải thắng lớn cả 3 vụ, thu về hơn 7 tấn tôm thương phẩm. Nhờ nguồn nước được xử lý chủ động, nên anh Hải có thể yên tâm kéo dài thời gian nuôi. Đến khi tôm có kích thước lớn, bán được giá ông mới xuất ra thị trường nên đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, trong khi hầu hết các đầm tôm ngoài trời gần như không dám thả tôm vụ 3 thì anh Hải vẫn thả giống. Hơn nữa, tôm vụ 3 thu hoạch vào dịp sát Tết Nguyên đán nên bán rất được giá. Chỉ với 360m2 diện tích nuôi, năm đầu tiên đã cho thu hoạch 3 vụ, trừ chi phí anh Hải lãi gần 1 tỷ đồng.
Cùng với đó, ông cũng dành một phần diện tích để nuôi tôm ngoài trời. Cũng nhờ có bể xi măng, sau khi tôm nuôi tại đây lớn, khỏe mạnh, anh Hải mới san ra ao nuôi ngoài trời. Lúc này, tôm đã có sức đề kháng cao nên giảm tỷ lệ rủi ro.
Vì vậy, đầm tôm ngoài trời của anh cũng cho thu hoạch nhiều vụ đạt sản lượng cao, thu về khoảng 200 triệu đồng tiền lãi.
Anh Hải đã thành công bước đầu với mô hình nuôi tôm mới của mình.
Theo anh Hải chia sẻ, nuôi tôm trong bể xi măng tuy không được số lượng nhiều nhưng dễ phát hiện và xử lý nhanh dịch bệnh, ít bị ô nhiễm, giảm chi phí nhân công. Hơn nữa, người nuôi có thể chủ động trong khâu xuất bán, đảm bảo sản lượng.
Tuy nhiên, cũng theo kinh nghiệm của anh Hải, việc nuôi tôm trong bể xi măng cũng không tránh khỏi những rủi ro. Rủi ro lớn nhất là về con giống không phải lứa giống nào cũng tốt, cũng chất lượng.
Năm 2019, anh Hải dự định mở rộng diện tích bể nuôi lên 1.000m2. Đồng thời, anh sẽ thực hiện mô hình cho cá bống bớp sinh sản trong bể xi măng. Hiện nay, tại địa phương cũng có hàng chục hộ nuôi tôm trong bể xi măng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ