Nông dân làm giàu từ mô hình trồng hoa
Chuyển đổi trồng hoa trên vùng đất chuyên màu và vùng cấy lúa kém hiệu quả- Đây là cách mà nông dân Lưu Văn Thửa, xã Mỹ Lộc và nông dân Đỗ Văn Xuân, xã Thái Học , huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đang làm. Hướng làm này cho họ thu nhập cao và có đầu ra ổn định.
Nông dân làm giàu từ trông hoa
Sau Tết nguyên đán, nông dân Đỗ Văn Xuân, xã Thái Học, huyện Thái Thụy lại tiến hành làm đất chuẩn bị lứa hoa mới. Trên vùng trồng hoa này của anh Xuân, trước đây, nông dân trong xã chuyên trồng các loại rau màu, nhưng trong 3 năm trở lại đây, anh Xuân chuyển sang trồng hoa. Hiện nay, tại xã Thái Học, anh là người duy nhất trồng hoa với diện tích chuyển đổi là hơn 1 mẫu ruộng, hoa bán quanh năm.
Anh Đỗ Văn Xuân- Xã Thái Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nói: "Trước đây, người dân chuyên trồng rau màu. Tôi chuyển sang trồng hoa hiệu quả gấp 2-3 lần so với cấy lúa…”
Ông Đỗ Văn Du- Chủ tịch Hội nông dân xã Thái Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết: " Anh Xuân là người duy nhất trong xã trồng hoa, cung cấp cho nhu cầu người dân trong xã và xã lân cận. Hoa cần sự tỉ mỉ và chỉ có anh Xuân mới kiên trì với trồng hoa, đã cho thu nhập trên 30 triệu đồng/sào/năm.
Đúng là nghề trồng hoa rất cần sự cần cù, kiên trì và tỉ mỉ. Những năm đầu chưa có kỹ thuật ổn định, hoa của gia đình anh Xuân không đẹp và ít người mua, sau tự tìm hiểu kỹ thuật trồng hoa qua các nhà vườn nổi tiếng và kiến thức qua các kênh thông tin đại chúng, anh đã biết ứng dụng khoa học trong việc kích thích hoa nở đúng thời điểm, cây hoa khỏe cho hoa to và đều. Mỗi năm, anh trồng được 2-3 vụ, còn vùng đất trũng trồng 1 vụ.
Anh Đỗ Văn Xuân- Xã Thái Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình chia sẻ: "Mỗi lần thu hoạch là một đợt với số lượng lớn . Hoa thường bán cho các chủ quen, không có hàng nhiều để bán lẻ…”
Cũng như anh Đỗ Văn Xuân, xã Thái Học, huyện Thái Thụy, ông Lưu Văn Thửa, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy thành công với nghề trồng hoa bởi sự kiên trì và yêu nghề trồng hoa. Ông Thửa trồng hoa quanh năm, mùa nào thì trồng hoa đó.
Điểm chung của hai nông dân này là họ nắm vững kỹ thuật trồng hoa và có đầu ra của mô hình.
Ông Lưu Văn Thửa- Xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nói: "Hoa trồng chỉ nhà minh bán thôi còn chưa đủ để cung cấp cho nhiều nơi đặt mua. Trồng hoa mình nắm bắt thời điểm nào nở để dung điện hợp lý và cách phòng bệnh chăm sóc tỉ mỉ như chăm sóc mình…"
Với hơn mẫu đất, ông Thửa phân thành khu trồng các loại hoa khác nhau. Hoa cung cấp dịp Tết, hoa bán ngày rằm, mùng 1 và các ngày lễ lớn được phân vùng chăm sóc. Từ việc gối lứa, mà ông Thửa có hoa bán quanh năm. Bình quân mỗi năm, ông có doanh thu hơn tỷ đồng. Hiện tại, ông Thửa mong muốn có thêm đất để mở rộng diện tích trồng hoa phục vụ nhu cầu của người dân.
Bà Giang Thị Liên- Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết: "Bác Thửa là nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất giỏi với mô hình trồng hoa tại xã Mỹ Lộc. Chúng tôi mong bác Thửa và nhiều nông dân khác trong xã được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, làm giàu tại địa phương".
Bà Nguyễn Thị Thơ- Phó Chủ tịch HĐND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết: "Các hộ nông dân sản xuất giỏi đang rất cần sự hỗ trợ vốn. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn với số lượng lớn, lãi suất thấp để các hội viên có điều kiện mở rộng sản xuất".
Với việc hình thành mô hình mới ngay tại vùng chuyên canh trồng lúa,trồng rau màu đã giúp một số nông dân tiêu biểu như ông Đỗ Văn Xuân, xã Thái Học, ông Lưu Văn Thửa, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy làm giàu ngay tại địa phương. Khi mô hình mới hình thành có hiệu quả cao sẽ là động lực cho nhiều nông dân khác thay đổi tư duy canh tác theo hướng khoa học, bám sát nhu cầu thị trường cần để sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ