Tin nông nghiệp Nông dân Mộc Châu làm giàu từ rau sạch

Nông dân Mộc Châu làm giàu từ rau sạch

Tác giả Vũ Đậu, ngày đăng 07/07/2017

Nông dân Mộc Châu làm giàu từ rau sạch

Mô hình canh tác rau trái vụ theo quy trình VietGAP giúp anh Nguyễn Văn Duyến (ở Mộc Châu, Sơn La) kiếm khoảng 2 tỷ mỗi năm.

Anh Duyến đang giới thiệu về quy trình trồng dưa chuột của hợp tác xã Tà Niết. Ảnh: B​izmedia.

Sinh năm 1966 tại huyện Thường Tín, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Duyến theo gia đình di cư đến vùng kinh tế mới ở Mộc Châu (Sơn La) và ổn định cuộc sống đến bây giờ.

Anh Duyến cho biết, khi bắt đầu lập nghiệp, anh tập trung vào canh tác cây ngô, sau đó mới dần chuyển sang trồng rau. Tuy nhiên, lúc đó, rau được trồng theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, sản lượng cũng không nhiều, chỉ đủ bán cho các chợ nhỏ lẻ. Sau này, khi dân cư trong khu vực ngày một đông lên, anh mở rộng diện tích các vườn trồng, đa dạng hóa các loại rau và xuất bán với sản lượng lớn cho các thương lái chở về Hà Nội.

Tổ hợp tác sản xuất rau Tà Niết (ở xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu) được anh thành lập vào cuối năm 2011. Đến năm 2012, tổ hợp tác được tham gia vào dự án "Tăng cường khả năng kết nối thị trường cho sản phẩm rau trái vụ vùng cao Tây Bắc Việt Nam" do chính phủ Australia tài trợ. Các đối tác của dự án gồm Viện nghiên cứu Rau củ quả, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc...

Tham gia sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn mới, cơ sở được hỗ trợ nhiều mặt như giống cây trồng; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc; thu hái và bảo quản; đồng thời hỗ trợ kiểm định chất lượng mẫu đất trồng, mẫu nước tưới... Cán bộ của dự án còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thành viên tổ hợp tác thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng, cấp mã số cho từng hộ gia đình trồng rau để tiện truy xuất nguồn gốc...

Mộc Châu mang lại lợi thế với nhiều loại rau ưa mát mẻ. Ảnh: Bizmedia.

"Bình thường, các mặt hàng rau chính vụ của Mộc Châu khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại tại đồng bằng phía Bắc. Do vậy, khi dự án tập trung hỗ trợ cho rau nghịch vụ, tôi đẩy mạnh canh tác cải bắp trắng và cà chua - 2 loại rau thế mạnh của Mộc Châu trong khi vùng đồng bằng chỉ trồng được vào mùa lạnh. Nhờ đó, đầu ra của các sản phẩm này khá thuận lợi", anh Duyến chia sẻ.

Ngoài cà chua và bắp cải trắng, cơ sở của anh còn canh tác thêm nhiều loại rau khác như cải chíp, cải mèo, cải ngồng, rau ngót, dưa chuột và các loại gia vị. Từ chỗ lượng rau chỉ đạt khoảng vài tạ đến vài tấn khi trồng đại trà, sau khi tham gia canh tác rau theo quy trình VietGAP của dự án, sản lượng tăng lên hơn trăm tấn. Điển hình, cơ sở thu 129 tấn, tổng doanh thu gần 2 tỷ đồng.

Một góc vùng sản xuất rau của hợp tác xãTà Niết. Ảnh: Bizmedia.

Tháng 2/2016, anh Duyến tiếp tục thành lập Hợp tác xã rau an toàn Ta Niết với sự tham gia của 10 thành viên trong vùng, cung ứng rau sạch cho hệ thống siêu thị Metro tại Hà Nội (Metro Thăng Long - Hoàng Mai và Hà Đông); siêu thị Aeon. Siêu thị BigC cũng đặt hàng sản phẩm rau sạch của hợp tác xã nhưng do sản lượng sản xuất ra chưa đủ cung ứng nên anh chưa ký kết đơn hàng với đơn vị này.


Nông dân sáng chế xuồng nhôm phun thuốc bảo vệ thực vật Nông dân sáng chế xuồng nhôm phun thuốc… Nấm linh chi sạch - dược liệu quý từ cao nguyên Đăk Lăk Nấm linh chi sạch - dược liệu quý…