Tin nông nghiệp Nông dân Nghệ An chống rét cho mạ xuân

Nông dân Nghệ An chống rét cho mạ xuân

Tác giả Việt Hùng, ngày đăng 05/01/2018

Nông dân Nghệ An chống rét cho mạ xuân

Nhằm phòng tránh giá rét cho mạ xuân vừa mới gieo xong, nông dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang triển khai nhiều biện pháp.

Nông dân Quỳnh Lưu che phủ ni lông kín xung quanh để chống rét cho mạ xuân. Ảnh: Việt Hùng

Những ngày mưa lạnh này nhiệt độ đã giảm xuống 13 - 15 độ C, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của mạ xuân. Do đó, sau khi gieo mạ xong, bà Nguyễn Thị Hà ở xã Quỳnh Hậu đã nhanh chóng mang vật dụng lên đồng che chắn toàn bộ diện mạ.

Bà Hà cho biết, theo kinh nghiệm lâu nay, khi tiến hành gieo mạ vụ xuân hầu hết người nông dân đều chuẩn bị ni lông, tre nứa để giăng xung quanh vùng mạ. Thời gian che chắn tránh rét kéo dài khoảng 15 - 20 ngày. Lúc đó, cây mạ phát triển tốt, sức đề kháng cao nên giảm thiểu được lượng mạ chết rét.

Theo kế hoạch, vụ xuân 2018, Quỳnh Lưu phấn đấu gieo trồng đạt 12.900 ha, trong đó cây lúa 8.500 ha; tập trung cơ cấu các giống lúa chủ lực như: Thái Xuyên 111, Thụy Hương 308, Nhị Ưu 986 và một số giống lúa thuần như Thiên ưu 8, Hương thơm 1. 

Bắt đầu từ ngày 20/12, nhiều địa phương như Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch, Quỳnh Đôi... đã tiến hành gieo mạ; bà con đã căn cứ lịch thời vụ và thời gian sinh trưởng của từng giống lúa để thực hiện.

Để phòng tránh giá rét làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mạ, huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền tới bà con áp dụng biện pháp che phủ ni lông 100% diện tích để chống rét và rầy lưng trắng gây bện lùn sọc đen.

100% diện tích gieo mạ ở Quỳnh Lưu được che phủ ni lông; ngoài chống rét, che ni lông còn hạn chế chuột phá hoại, rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen. 

Theo khuyến cáo của Phòng NN&PTNT huyện, trong thời gian che nilon cho mạ, nếu nhiệt độ ngoài trời tăng dần > 15 độ C và có nắng vào buổi trưa, cần phải mở hai đầu nilon vào ban ngày để thoát hơi nước và giúp cây quang hợp tốt hơn. Nếu đêm giá lạnh lại tiếp tục đậy nilon lại.

Ngoài ra, cần bổ sung cho mạ một lượng phân chuồng mục, tro bếp hoặc lượng nhỏ kali, lân để giúp mạ ấm chân và cứng cáp, chống rét tốt hơn. Đồng thời, ruộng mạ cũng cần được cho nước ở mức 2cm để giữ ấm. Tuyệt đối nông dân không được bón đạm urê hoặc phân bón lá giàu đạm cho mạ trong những ngày này.


Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ - Phần 1 Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ -… Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh…