Tin thủy sản Nông dân nuôi cá tra: Trăm triệu kiếm lâu, tiền tỷ mất nhanh

Nông dân nuôi cá tra: Trăm triệu kiếm lâu, tiền tỷ mất nhanh

Tác giả Thủy Sản Việt Nam, ngày đăng 24/02/2017

Nông dân nuôi cá tra: Trăm triệu kiếm lâu, tiền tỷ mất nhanh

Đây là một trong những nghịch lý đang báo động ở các làng quê Việt Nam. Từ chuyện người nông dân bị thất thoát khi thương lái lật lọng đến việc họ bị các đại gia “quỵt nợ”. Vấn nạn nhức nhối này khi nào mới được giải quyết?

Trong ảnh:  Người nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn gặp khó. Ảnh: An Đăng 

Cá quá lứa, dân mất tiền

Trong năm 2016, không ít người dân các tỉnh nuôi cá tra vùng ĐBSCL đã phải chịu cảnh mất tiền oan uổng khi nghe thông tin đồn thổi nuôi cá tra quá lứa bán được giá cao.

Đỉnh điểm là đầu tháng 8/2016, nhiều vùng nuôi cá tra tại đây hỗn loạn. Bởi trước đó, thương lái Trung Quốc ồ ạt mua cá tra trọng lượng lớn ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… với giá cao nên nhiều nông hộ cố tình để cá tra lớn. Tuy nhiên, sau đó, thương lái ngừng thu mua hoặc mua với giá rất thấp. Đây là nguyên nhân khiến thời điểm này giá cá tra giảm thê thảm, xuống mức thấp nhất so với 5 năm trước đó. Thấp hơn 4.000 - 4.500 đồng/kg so với mấy tháng trước đó. Nông dân bị thua lỗ nặng, thậm chí có người vì cả tin cố tình nuôi cá cỡ lớn đã mất hàng tỷ đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên và cá tra cũng không phải là sản phẩm duy nhất bị thương lái Trung Quốc “giở trò”, mà trước và sau đó đã có hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mắc bẫy, như lợn mỡ, chanh dây, thanh long, vải thiều… Thế nhưng bao nhiêu năm mà cơ quan quản lý vẫn chưa có cách khắc phục triệt để, người nông dân vẫn chạy theo và vẫn để mất tiền oan như vậy.

Bán cá đúng cỡ, vẫn mất tiền

Mới đây nhất là vụ Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và Dịch vụ Thuận An (An Giang) mua cá của nông dân lên đến 80 tỷ đồng, nông dân bị ngân hàng xiết nợ còn lãnh đạo công ty này được cho là đã đi nước ngoài nhiều tháng và đến nay chưa về.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp (TP Long Xuyên, An Giang) cho biết, tháng 7/2016, Công ty Thuận An ký hợp đồng bắt cá của ông với tổng giá trị 5 tỷ đồng. Sau khi trừ khoảng 4 tỷ đồng tiền vay ngân hàng, Công ty Thuận An phải trả cho ông khoảng 100 triệu đồng và trả thêm cho ngân hàng 900 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty Thuận An đến giờ chưa trả tiền, nên ngân hàng bắt ông phải trả nợ.

Đường cùng, các hộ nuôi cá ở đây phải gửi đơn tố cáo, đồng thời có đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ. Hiện, Công an tỉnh An Giang đã vào cuộc để xác minh làm rõ vụ việc. Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại của các hộ nuôi cá.

Trước đó, cũng đã có nhiều doanh nghiệp mua cá và trốn nợ nông dân như: Thiên Mã, Sông Hậu… Sau khi ngành chức năng vào cuộc, nhiều đơn vị có thực hiện trả tiền cho người nuôi cá, thế nhưng phương thức trả rất phức tạp và nhỏ giọt. Điều này không thể bù đắp thiệt hại cho họ chứ chưa nói gì đến giúp phục hồi kinh tế để tái sản xuất, bởi chưa đủ để họ có thể trả tiền lãi ngân hàng vẫn tăng lên từng ngày. Không ít gia đình vướng vào cảnh này đã khuynh gia bại sản; gia đình ly tán vì phải bỏ xứ đi làm thuê mong kiếm tiền sinh nhai và trả nợ.

Nghịch cảnh này đã tái diễn nhiều năm, thế nhưng đến nay vẫn chưa có cách nào tháo gỡ. Mặc dù nhà nước chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, hoãn trả lãi cho người nông dân, song họ vẫn phải chịu trách nhiệm với khoản nợ mình vay; trong khi các “đại gia” dù bắt buộc phải thi hành án, thực hiện trả nợ cho nông dân, thế nhưng họ biện nhiều lý do để tránh, thậm chí là “công tác dài ngày ở nước ngoài”. Rút cuộc, mọi thiệt thòi người nông dân gánh chịu.

Nỗi nhức nhối này khi nào mới tháo gỡ, làm gì để các bên liên kết đều có lợi và công bằng; quan trọng hơn là để người nông dân không phải chịu cảnh “chỉ biết kêu trời”. Câu hỏi này xin các cấp, ngành cùng trả lời!


Phát hiện mới về bột côn trùng nuôi tôm Phát hiện mới về bột côn trùng nuôi… Nam Phi: Hiệu quả với công nghệ Abalobi Nam Phi: Hiệu quả với công nghệ Abalobi