Tin nông nghiệp Nông dân sông Ba: Bò ơi... sao nỡ bỏ tao mà đi

Nông dân sông Ba: Bò ơi... sao nỡ bỏ tao mà đi

Tác giả Hùng Phiên, ngày đăng 07/11/2016

Nông dân sông Ba: Bò ơi... sao nỡ bỏ tao mà đi

Đã có ít nhất 116 con bò bị kẹt lũ và “tử nạn” giữa lòng sông Ba (Phú Yên) đêm 3.11. Dọc các cồn bãi sông Ba là những cơn gào của nông dân “trời ơi... bò ơi... sao nỡ bỏ tao mà đi...”.

Mất nguồn sống và trả nợ

Những ngày đầu tháng này, đến các xã Hòa An, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa); Hòa Thành (Đông Hòa); Hòa Bình 1, Hòa Bình 2 (Tây Hòa)… đâu đâu cũng nghe khàn giọng khóc bò.

 

Trong ảnh: Nông dân Phú Hòa xẻ thịt bò chết lũ bán, hy vọng vớt vát chút tiền. Ảnh: H.P

“Mấy năm rồi, có mưa lụt gì đâu. Vậy mà năm nay, lũ bùng bùng đổ về không kịp trở tay! Đêm duy nhất xa trại bò (3.11), vợ chồng tôi thức trắng khấn cầu cho con Đốm, con Đỏ, con Đen, con Vàng tai qua nạn khỏi. Vậy mà sáng sớm đi xuồng ra thăm thì thấy bò chết la liệt”. Bà Lê Thị Cúc

Bà Lê Thị Cúc (ở thôn Phú Nông, Hòa Bình 1) nấc nghẹn kể: “Tất cả 4 con bò nhà tôi đã chết sạch rồi! Tất cả gia sản đều ở mấy con bò. Chăm chút 3 năm trời, mỗi con có giá phải 40 - 50 triệu đồng, vậy mà chỉ bán vớt vát được 1 - 2 triệu đồng! Đang tính bán một con để trả nợ ngân hàng, gửi tiền ăn học cho thằng nhỏ ở TP.HCM, rồi làm đám cưới cho đứa chị. Vậy mà… trời ơi!”.

Theo bà Cúc, cuộc sống vợ chồng bà với 6 đứa con đều trông hết vào bầy bò. Bởi làm sao đủ ăn khi làm mấy sào ruộng. Đồng đất chật chội, đành phải ra bãi soi giữa lòng sông Ba để “lấn đất” nuôi bò, trồng thêm mấy khoảnh dưa, cà, mướp... trang trải chi tiêu qua ngày. Bà nói: “Mấy năm rồi, có mưa lụt gì đâu. Vậy mà năm nay, lũ bùng bùng đổ về không kịp trở tay! Đêm duy nhứt xa trại bò (3.11), vợ chồng tôi thức trắng khấn cầu cho con Đốm, con Đỏ, con Đen, con Vàng tai qua nạn khỏi. Vậy mà sáng sớm đi xuồng ra thăm thì thấy bò chết la liệt”.

Bà Cúc nhẩm tính lượng bò chết của các hộ quanh thôn: Lương Tấn Tự 4 con, Lương Tấn Tú 3, Lương Tấn Bi  4, Lương Tấn Mân 4, Lương Tấn Tâm 3, Phan Phẩm 7, Trần Tiên 7... Theo bà biết được, trong vùng gần nhà, đã có ít nhất 40 con bò bị chết sau đêm kẹt lũ sông Ba.

Với ông Phan Phẩm, người nuôi bò có tiếng ở Phú Nông, 7/8 con bò nhà ông đã chết: “Con duy nhất đã bứt được dây buộc, trôi 10 cây số xuống Phú Lâm (Tuy Hòa), may mà tìm thấy được. Mấy trăm triệu bạc  bỗng bay biến sạch trơn rồi! Không biết gần chục miệng ăn nhà tui giờ sống bằng gì đây? Lấy gì mà trả nợ vay, nợ góp...”.   

Nước mắt trôi theo dòng nước

Trong khi đó, ông Lê Văn Hương (xã Hòa An, Phú Hòa) với 8 con bò bị chết và 1 con trôi mất xác, trần tình: “Ai mà không sợ lũ sông Ba! Dưng mà nuôi bò kỳ công lắm nên mới trù trừ ở lại để lo củng cố chuồng trại, dây cột. Tui đã buộc dây dài cho một số con có thể ngoi lên thở, vậy mà nước lũ ngập nóc chuồng, chỉ còn một con sống sót! Sáng ra bãi thăm, thấy bầy bò chết chất đống, vợ chồng tui không thể đứng lên nổi”.

Ông Hương cho hay, trước ngày 3.11, nhiều người nuôi bò giữa sông Ba đã đề nghị chính quyền hỗ trợ đưa bò vào bờ nhưng rồi chẳng thấy đâu. Khi lòng sông đã bắt đầu dâng nước thì nhóm người coi trại không còn cách gì để di chuyển đàn bò quá lớn. Những tháng mùa khô, lòng sông Ba đoạn hạ lưu này chỉ còn vài lạch nước, luôn có thể lùa bò qua lại thoải mái. Còn đợt lũ này lại quá sức nhanh, hung dữ…

Nhiều người nuôi bò ở Hòa An nhìn nhận, chính họ cũng đã chủ quan với sông nước. Bởi nghĩ, mấy năm vừa qua đều mưa lụt chẳng đáng kể. Bởi coi bầy bò như chính tính mạng mình. Bởi đã buộc dây dài, chắc đàn bò có thể nổi lên mặt nước mà sống sót…

Theo ông Nguyễn Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, trong nhiều việc phòng chống lũ lụt, chính quyền cũng đã kiên quyết yêu cầu người dân di dời ngay việc sản xuất ra khỏi lòng sông Ba. Thế nhưng nhiều bà con đã tiếc của, chủ quan nên cứ cố nấn ná với trại nuôi bò. Đến đêm 3.11, chính quyền phải dùng ca nô chạy dọc các bãi cồn giữa sông để cưỡng chế hàng chục người chăn nuôi. Do tình thế gấp gáp và yếu phương tiện nên đành phải để bầy bò ở lại… Còn ông Phạm Khi - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa chia sẻ: “Bò chết quá nhiều giữa sông Ba là chuyện không thể tránh khỏi và chúng tôi đã làm hết sức, mục tiêu trên hết là bảo vệ tính mạng của người dân...”.

Thống kê ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, chỉ 5 ngày đầu tháng 11.2016, trong vô vàn thiệt hại của tỉnh, đã có trên 100 con bò chết do lũ cuốn. Cùng với hàng trăm cây trồng, hồ nuôi thủy sản... bị vùi dập, sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị đình đốn hết sức nặng nề. 


Biến đồng hoang thành trang trại “cánh trắng” Biến đồng hoang thành trang trại “cánh trắng” Tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng Tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi…