Nông dân Thới Bình điêu đứng vì tôm chết
Đến nay, huyện Thới Bình có trên 21.000ha lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại, trong đó 16.365ha thiệt hại trên 70%; gần 3.300ha thiệt hại từ 30 - 70%. Nắng nóng, độ mặn tăng cao cũng làm thiệt hại 1.636/48.800ha tôm nuôi, trong đó có gần 300ha thiệt hại hơn 70%.
Ngành chức năng kiểm tra hiện tượng tôm chết tại xã Tân Bằng để có biện pháp hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.
Bà Lê Thị Mấy ở Kinh 8, xã Tân Bằng, cho biết: "Tôi đã nuôi tôm nhiều năm nay, tình hình tôm chết là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thời tiết năm nay khác với những năm trước. Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao không những làm cho tôm chậm lớn mà tôm còn chết hàng loạt. Hiện gia đình còn thiếu nợ ngân hàng gần 60 triệu đồng, thất tôm không có tiền để đóng lãi". Cũng theo bà Lê Thị Mấy, năm nay, lúa của bà cũng chỉ gặt được có mấy bao nhưng hạt không chắc như mọi năm.
Ông Hồ Hải Bình, Khóm 9, thị trấn Thới Bình, bộc bạch: “Tôi có 2ha đất, thả 40.000 con giống nhưng do thời tiết nên tôm bị chết hoài. Vuông của bà con xung quanh cũng thế. Mong Nhà nước tìm cách hướng dẫn nông dân khắc phục để bà con an tâm sản xuất”.
Cũng như bà Mấy và ông Bình, hơn 1 ha đất nuôi tôm của ông Nguyễn Thanh Hùng ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, cũng đã qua 2 lần thả con giống không đạt hiệu quả, các chi phí như tiền giống, dầu bơm nước, thuốc xử lý ao đầm khoảng 20 triệu đồng đều mất đứt. Hiện ông đang nuôi đợt 3 nhưng tôm mới hơn 1 tháng lại tiếp tục nổi đầu và chết rải rác.
Theo phản ánh của các hộ nuôi tôm trong huyện Thới Bình, khoảng 10 hộ nuôi thì đã có đến 9 hộ bị thiệt hại. Dịch tôm chết xảy ra đều hết ở các xã, thị trấn. Trong đó các xã bị thiệt hại trên 70% như: Biển Bạch Ðông, Biển Bạch, Trí Phải và Thới Bình. Hiện các lòng kinh rạch mực nước thấp, không đủ cung cấp cho các vuông tôm nên nước trong vuông cạn kiệt, gây thiệt hại nhiều diện tích tôm nuôi và hoang mang cho nông dân trên địa bàn.
Kỹ sư Lê Thanh Hùng, Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Thới Bình, khuyến cáo: “Trong điều kiện hiện nay bà con nên hạn chế thả tôm con. Vì độ mặn tăng cao, khi thả tôm dễ phát sinh mầm bệnh dẫn đến thất thoát. Nếu những vuông đã có tôm thì cố gắng gia cố bờ bao, cung cấp nước đầy đủ. Trước khi cung cấp nước, bà con nên diệt khuẩn. Sau 3 - 4 ngày cấp nước, ta xử lý nguồn nước lại bằng cách diệt khuẩn và cấy men vi sinh định kỳ để tôm phát triển ổn định”.
Thiếu vốn sản xuất, tôm chết hàng loạt, chi phí đầu vào tăng cao là những khó khăn mà người nuôi tôm đang phải đối mặt. Do đó, để người nuôi tôm phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết: “Huyện đã tổng hợp phân ra diện tích thiệt hại từ 30 - 70% và thiệt hại trên 70% báo cáo về tỉnh. Huyện đang tập trung chỉ đạo, thành lập các tổ để điều tra rà soát lại diện tích thiệt hại của từng hộ. Trên cơ sở đó, khi tỉnh phân bổ nguồn vốn hỗ trợ thì chúng tôi sẽ tổ chức triển khai ngay việc chi trả cho bà con tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị cho vụ mùa mới”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ