Mô hình kinh tế Nông dân trăm hec ta

Nông dân trăm hec ta

Ngày đăng 04/06/2015

Nông dân trăm hec ta

Tích tụ ruộng đất

Đứng giữa cánh đồng rộng 120 ha, ông Nguyễn Văn Khanh ở xã Phú Cường (huyện Tam Nông) cười cởi mở: “Tôi phải vượt qua nhiều khó khăn, gom từng thửa ruộng, từng góc đất để có được cánh đồng hôm nay, thỏa sức tính toán làm ăn”.

Cánh đồng hút tầm mắt chủ yếu ông mua và thuê của anh em trong gia đình đã chuyển làm nghề khác. Vừa kiên trì gom đất, ông vừa cải tạo đồng ruộng, mua máy nông nghiệp (cày, xới, gặt đập liên hợp…) để tăng năng suất, hiệu quả.

Ông cho biết, hợp đồng canh tác lúa Nhật, bán cho doanh nghiệp lúa tươi giá 6.500 – 6.900 đồng/kg, mỗi năm thu lời hơn tỷ đồng. Dự tính của ông, thời gian tới đầu tư thêm lò sấy, kho chứa để nâng cao hơn chất lượng hạt lúa.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ ở xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười) năm nay đã có 100 ha, trong đó 60 ha của nông dân giao cho hợp tác xã, còn 40 ha thuê.

Phương thức nông dân giao đất như sau: hợp tác xã toàn quyền tổ chức canh tác lúa, đến mùa trả lúa cho nông dân và nông dân hoàn chi phí đầu tư. Cứ một ha, một năm làm ba vụ, nông dân được trả 21 tấn lúa, hoàn chi phí đầu tư 66 triệu đồng. Vụ đông xuân 2014-2015, giá lúa 5.000 đồng/kg, một ha nông dân lời 39 triệu đồng.

Lợi ích ở đây, nông dân không phải ra đồng mà luôn nắm chắc sản lượng lúa trong tay (lời nhiều hay ít tùy giá thị trường), có thời gian đi làm việc khác thu nhập hàng tháng hoặc hàng ngày.

Còn hợp tác xã, có diện tích lớn để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Với 100 ha đất, vụ đông xuân vừa rồi hợp tác vừa thu lời mấy trăm triệu đồng.

Kết quả trên nhờ vai trò của Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Thanh Thấm dám nghĩ dám làm. Ông Thấm phân tích, phương thức giao đất như trên có lợi cho cả hợp tác xã và nông dân, giúp sản xuất nông nghiệp thoát khỏi tình trạng manh mún, thoát khỏi nhiều khó khăn để phát triển.

Tin tưởng cách làm của ông Thấm, nhiều nông dân đã vui vẻ giao đất. Ông Trần Quang Thanh giao 4,5 ha ruộng, ở nhà chăm sóc 1 ha vườn, cho biết “tổng thu nhập cao hơn trước mà khỏe người”.

Ông Huỳnh Thiện Minh giao gần 2 ha ruộng cho hợp tác xã, vợ chồng ông trở thành người làm công cho hợp tác xã trong các việc chăm sóc lúa, thu hoạch, vận chuyển, mỗi tháng thu nhập 6 triệu đồng.

Còn ông Huỳnh Thanh Hải cũng giao đất cho hợp tác xã, bản thân ông phụ trách tổ kỹ thuật và trực tiếp lao động cho hợp tác xã, một tháng thu nhập 5 triệu đồng.

Trụ cột liên kết

Nhằm khuyến khích các phương thức tích tụ ruộng đất, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định hỗ trợ 50% lãi suất cho những nông dân vay tiền thuê đất mở rộng diện tích lên ít nhất 3 ha.

Chính sách này đang thí điểm ở Hợp tác xã Tân Cường, Tân Tiến và Phú Bình (huyện Tam Nông). Hiện 29 nông hộ có 45 ha đất, đã thuê thêm 80 ha đất của các hộ kế cận, được hỗ trợ lãi suất tiền vay thuê đất và cải tạo đồng ruộng 700 triệu đồng.

Thực tế đang cần một cơ chế pháp lý và xử lý hợp đồng liên kết để bảo vệ các quan hệ mới một cách hữu hiệu qua cánh đồng lớn. Nhìn rộng ra là cơ chế pháp lý về liên kết vùng ĐBSCL, trong đó có liên kết doanh nghiệp và nông dân. (Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ)

Giám đốc Hợp tác xã Tân Cường, ông Nguyễn Văn Trãi, kể rằng trong hợp tác xã, các thành viên có ít đất đã cho người bên cạnh thuê đất để đi làm việc khác thu nhập khá hơn. Mỗi ha cho thuê một năm từ 25 đến 27 triệu đồng.

Chuyển động đặc biệt ở đây, những nông dân và hợp tác xã khi có hàng trăm ha ruộng đã trở thành trụ cột của liên kết sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã Đức Huệ đi vào hoạt động chưa đầy hai năm, hôm 11/5, làm việc với Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, hiện có 55 thành viên với vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng.

Hợp tác xã hợp đồng với Cty Lương thực Đồng Tháp, không những tiêu thụ lúa cho các thành viên, còn mở rộng liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân bên cạnh. Vụ đông xuân 2014-2015, tiêu thụ lúa được 250 ha, vụ hè thu 2015 nâng lên 300 ha.

Giám đốc Thấm cho biết, trong kế hoạch tích tụ ruộng đất, sẽ mua lại hoặc thuê thêm ruộng liền kề, đồng thời mở quỹ tín dụng để thu hút những người có vốn vào hợp tác xã.

Dăm năm trước cùng với các địa phương ở ĐBSCL mở ra “cánh đồng lớn”, nhưng tỉnh Đồng Tháp nhanh chóng nhận ra chỉ nhấn mạnh vào quy mô diện tích là chưa ổn.

Vài năm nay, Đồng Tháp chủ trương xây dựng “cánh đồng liên kết” nhấn mạnh vào tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, thực hiện rất khó khăn vì đất đai vẫn manh mún và sản xuất lạc hậu. Từ hai điểm yếu căn bản ấy của “cánh đồng liên kết” mà các mối liên kết với bên ngoài nhiều khi chỉ hình thức.

Nay tìm thấy trụ cột cho liên kết, tỉnh Đồng Tháp tập trung hỗ trợ. Ở xã Phú Cường của ông nông dân Nguyễn Văn Khanh có 120 ha ruộng, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hùng Cường nói, chưa có nhiều người như ông Khanh nhưng “xã đang tạo mọi điều kiện để ngày càng có nhiều ông Khanh”.

Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, ông Đinh Minh Dũng, chỉ đạo các ngành hỗ trợ Hợp tác xã Đức Huệ tháo gỡ các khó khăn để không ngừng phát triển.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Công, nhìn viễn cảnh từ 69% dân số nông thôn trong tuổi lao động hiện nay, khi tăng tích tụ ruộng đất sẽ giảm còn 50% ở năm 2020 và giảm tiếp về sau. “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh như thế sẽ thành công”, ông Công phấn khởi.


Nông nghiệp xuyên biên giới vẫn ở giai đoạn đầu Nông nghiệp xuyên biên giới vẫn ở giai… Dừa khô xuống giá Dừa khô xuống giá