Mô hình kinh tế Nông Dân Trồng Dưa Mua Nhầm Phân Giả

Nông Dân Trồng Dưa Mua Nhầm Phân Giả

Ngày đăng 22/02/2014

Nông Dân Trồng Dưa Mua Nhầm Phân Giả

Mấy ngày qua, nhiều người trồng dưa hấu ở xã Xuân Quang 1, Đồng Xuân (Phú Yên) bức xúc khi phát hiện phân bón NPK mình mua là giả.

Có mặt tại ruộng dưa ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1, chúng tôi thật sự sửng sốt khi chứng kiến sản phẩm của “công nghệ” làm giả phân bón. Thoạt nhìn, bao bì khá bắt mắt với biểu tượng đầu trâu, ghi dòng chữ “Công ty phân bón Bình Điền”, loại NPK 20-20-15, với đầy đủ thành phần đạm, lân, kali, nhãn mác, khối lượng, nơi sản xuất, kích cỡ và màu sắc hạt phân… không khác gì bao phân thật của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền.

Theo ông Võ Trung Trực, người trồng dưa bị ảnh hưởng tại khu vực này, nếu đem so sánh thì bao bì phân giả chỉ thiếu chữ “cổ phần” và phần bên hông của bao dễ bóc hơn bao phân thật. Còn muốn kiểm tra chất lượng phân, phải đem ngâm trong nước mới phát hiện vì toàn là đất và cát. “Trước Tết Nguyên đán, tôi mua 5 bao trong tổng số 48 bao phân mà những người trồng dưa lân cận cùng mua của bà N. T. T ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn.

Mỗi bao có trọng lượng 50kg, giá 685.000 đồng, ngang với giá phân thật. Khi bón dưa hấu đến bao thứ 3 thì phát hiện phân giả. Hay tin, bà T. đến tận trại dưa thương lượng thu lại phân đã cung cấp, đồng thời bồi hoàn 48 bao phân thật nhưng chúng tôi không đồng ý”, ông Trực bức xúc nói. “Loại phân tương tự như trên cũng được bán cho hơn 10 hộ trồng dưa với diện tích trên 10ha ở thôn Đồng Hộ, xã Xuân Quang 1”, một hộ trồng dưa tại đây tiết lộ.

Ngoài ra, ông Trực còn cung cấp cho chúng tôi biên bản thỏa thuận về việc bán phân bón giả do bà N. T. T ký ngày 15/2/2014 với 5 hộ dân mua phân có nội dung: “Theo thỏa thuận, bà T. trả lại 48 bao phân cho 5 trại (hộ) có tên trên và chịu trách nhiệm đền bù theo sản lượng sau khi thu hoạch…”.

Phân giả trên chỉ được phát hiện khi người dân đem pha với nước để bón thúc cho dưa hơn 30 ngày tuổi, lúc đó xuất hiện đất vón cục và cát. Còn việc bón lót trực tiếp xuống đất trước đó thì không ai hay biết. “Để kịp thời vụ, chúng tôi phải mua phân khác về bón cho dưa. Thông thường, cứ 500m2 dưa chi phí khoảng 8 triệu đồng, nay phải bón phân bổ sung tốn thêm khoảng 4 triệu đồng”, ông Trực cho biết thêm.

Ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cho biết, đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện kiểm tra thực tế tại 5 trại dưa hấu bị ảnh hưởng có tổng diện tích 5,6ha của các ông Lê Văn Bình, Lê Thanh Bình, Nguyễn Văn Ngọc, Trịnh Văn Xuân (cùng ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1) và ông Võ Trung Trực (trú ở xã Nhân Tân, TX An Nhơn, Bình Định).

Quan sát bằng mắt thường cho thấy, khi hòa phân trong nước, phân không tan mà xuất hiện đất vón cục và cát. Địa phương đã kiến nghị lên UBND huyện và các ngành chức năng điều tra làm rõ, đồng thời động viên bà con yên tâm sản xuất, chờ kết luận chính thức”.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, qua nắm bắt thông tin, công ty phát hiện thời gian gần đây có 3 đại lý phân bón ở tỉnh Bình Định có hành vi sản xuất phân giả của công ty. Thủ đoạn của các cơ sở này là sản xuất phân bón kém chất lượng, rồi sử dụng bao bì, nhãn hiệu của công ty để đóng bao, sau đó đưa đi tiêu thụ.

Hành vi trên đã xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa của công ty; đồng thời tạo nên sự ngộ nhận, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân. Công ty đã báo cáo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Bình Định để được xem xét, tiến hành điều tra, xử lý thích đáng các hành vi vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sản phẩm của công ty.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, đang hoàn tất văn bản báo cáo vụ việc lên UBND huyện và Thanh tra Sở NN-PTNT để xử lý; đồng thời chờ thông tin tiếp theo từ phía Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền. Ngoài số phân giả được phát hiện ở Đồng Xuân, trên địa bàn tỉnh rất có thể đang lưu hành một lượng lớn phân giả như trên đang được người dân sử dụng mà chưa được phát hiện. Đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm, tránh thiệt hại về kinh tế cho người dân, ảnh hưởng đến nhà sản xuất chính hiệu.

Xã Xuân Quang 1 hiện có hơn 100 trại dưa hấu với diện tích trên 200ha, tăng gần 20% diện tích so với vụ trước; trong đó có khoảng 10 trại của người dân địa phương, còn lại là của những người dân tỉnh Bình Định đến thuê đất của người dân với giá 2 triệu đồng/sào/vụ.


Khống Chế Và Kiểm Soát Bệnh Niu-Cát- Xơn Ghép Các Bệnh Hen Ở Gà Khống Chế Và Kiểm Soát Bệnh Niu-Cát- Xơn… Người Nuôi Tôm Trước Nỗi Lo Thiếu Điện Người Nuôi Tôm Trước Nỗi Lo Thiếu Điện