Tin nông nghiệp Nông dân trồng và chế biến bồn bồn để kinh doanh

Nông dân trồng và chế biến bồn bồn để kinh doanh

Tác giả Thúy Liễu, ngày đăng 29/05/2017

Nông dân trồng và chế biến bồn bồn để kinh doanh

Sau thời gian “bén duyên” với vùng đất Mỹ Thuận (Mỹ Tú), cây bồn bồn dần khẳng định vị trí của mình trong đời sống và kinh tế của người dân vùng này.

Bồn bồn là loại cây trồng đã quen thuộc với bà con nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, bởi đây được xem là loại cây trồng phù hợp với nhiều vùng đất, góp phần lớn vào việc cải thiện thu nhập cho gia đình. Với người tiêu dùng, bồn bồn được xem là món rau có thể dùng để làm gỏi, nấu canh mặn ngọt, xào và đặc biệt loại cây thân mềm này dùng làm dưa ăn kèm một số món kho tuyệt ngon.

Bà Xứng hướng dẫn khách cách lặt lấy lõi bồn bồn non để ăn.

Dọc theo tuyến Tỉnh lộ 940, cung đường dẫn từ huyện Mỹ Tú đến một số xã trên địa bàn huyện, ven theo hai bên đường có hơn 10 hộ kinh doanh bồn bồn, kể cả loại tươi và loại làm dưa. Cách bán dưa bồn bồn của nhiều hộ ven đường làm chúng tôi chú ý, bởi nếu hộ kinh doanh chuyên nghiệp, sẽ đóng gói hay vào hộp cẩn thận với loại bồn bồn làm dưa, còn bồn bồn tươi sẽ được bảo quản trong các loại thùng chứa thật đẹp và bắt mắt nhằm thu hút người tiêu dùng. Người dân ở đây lại “kinh doanh” theo hình thức “cây nhà lá vườn”, dưa bồn bồn cho vào trong các túi nilông màu trắng, còn loại tươi được cho vào các thau nhôm ngâm nước, khá đơn giản nhưng khách hàng vẫn ghé mua đều đều. 

Đang nằm đung đưa trên chiếc võng hướng ánh mắt ra phía con đường lớn để chờ bán hàng cho khách, bà Đặng Thị Xứng, ấp C1 (Mỹ Thuận) thấy chúng tôi ghé, bà vội rời chiếc võng hỏi khách muốn mua loại bồn bồn tươi hay loại làm dưa. Vẫn nét chân chất, mộc mạc của người nông dân, bà Xứng thật thà chia sẻ: “Cứ yên tâm mua dưa bồn bồn của tôi về ăn thử, ở đây toàn làm bằng phương pháp truyền thống, tuyệt đối không dùng bất cứ loại hóa chất nào nhằm làm cho bồn bồn trắng đẹp, vì ngoài việc làm bán cho khách hàng, tôi còn làm để gia đình ăn hàng ngày”.

Bà Xứng chỉ tay về phía cánh đồng xa xa tiếp lời: “Gia đình tôi trồng bồn bồn được 2 công và mua thêm của hàng xóm bán hàng ngày cho khách đi đường. Trước đây đâu biết bán nhỏ lẻ, tới lứa thu hoạch là đem đi chợ cân hết cho bạn hàng. Vài năm trở lại đây, khi đường tỉnh lộ nâng cấp mở rộng, do nhà ở gần mặt đường, mỗi lần thu hoạch bồn bồn, tôi đem về trước nhà gọt rửa sạch sẽ, rất nhiều người đi đường họ ghé hỏi mua. Thế là tôi nghĩ ngay đến việc bán bồn bồn tại nhà, vừa thu thêm đồng lời lại không mất thời gian vận chuyển ra chợ bán”.

Bà Xứng nhẩm tính: “Thấm thoát mà tôi bán bồn bồn cũng 3 năm rồi, nếu tính 2 công bồn bồn của gia đình, mỗi tháng tôi thu hoạch khoảng 400kg, giá bán tươi tại chỗ 20.000 đồng/kg (theo hình thức bán lẻ), trừ chi phí lợi nhuận 4,5 triệu đồng/tháng. Số lượng trên không đủ bán cho khách, tôi mua thêm bồn bồn của bà con trong xóm để bán lại hàng ngày, quân bình mỗi ngày bán khoảng 30kg bồn bồn tươi và làm dưa, lợi nhuận từ việc mua đi bán lại gần 200.000 đồng/ngày. Số tiền từ việc mua đi bán lại đủ tiền chợ và lo các cháu đi học, còn tiền bán bồn bồn do gia đình trồng dùng tích lũy khi về già”.

Cũng mới ra nghề “kinh doanh” bồn bồn dọc theo tuyến Tỉnh lộ 940, chị Trần Thị Chinh, ấp C1 (Mỹ Thuận) bộc bạch: “Ở quê, quanh năm suốt tháng chỉ lo làm ruộng và trồng bồn bồn nối nghề ông cha, hễ tới mùa thu hoạch thì thương lái họ tới tận nhà thu mua, trước kia đường sá đi lại khó khăn phải tự chèo chống xuồng ghe mang ra chợ huyện bán. Giờ có đường giao thông thuận tiện, mối lái tới tận nhà mua nhưng do giá “bèo” vì họ cho rằng việc mua đi bán lại, họ kiếm lời chút đỉnh, nhiều lúc đi chợ biết giá cao hơn bán tại nhà gấp vài lần mà lái họ mua bồn bồn ép giá xuống thấp lè tè, thấy tiếc của vì công sức bỏ ra”.

Cũng theo lời chị Chinh, không như nhiều loại cây trồng khác, bồn bồn thu hoạch cực gấp vài lần, cây chủ yếu sống dưới nước nên mỗi lần tới đợt nhổ ngâm mình dưới nước cả ngày, đem lên còn cắt gọt, trong quá trình nhổ, chỉ cần sơ suất đứt tay, đứt chân chảy máu xem như chuyện thường, vì lá của chúng bén như lưỡi lam. Tiếc công sức mình trồng vất vả, nên thấy nhiều hộ xung quanh đem bồn bồn tự trồng bán ven theo con đường lớn, tôi cũng tập tành làm nghề “kinh doanh” theo họ. Mỗi ngày, tôi bán bồn bồn tươi và làm dưa cho khách đi đường ước khoảng 20kg, lợi nhuận hơn 100.000 đồng/ngày. Riêng 1 công bồn bồn của gia đình, thu hoạch 1 lần/tháng, khoảng 150kg, trừ chi phí lợi nhuận 2,5 triệu đồng/tháng.

So sánh với nhiều loại cây trồng khác, bồn bồn cho thu nhập khá ổn định, hàng tháng đều có sản phẩm xuất bán nhưng tốn khá nhiều công lao động. Về những dự định cho thời gian tới, chị Trần Thị Chinh cho biết thêm: “Tôi vẫn duy trì diện tích 1 công trồng bồn bồn và kinh doanh loại rau đặc sản này xem như món quà quê bán khách vãng lai thưởng thức khi đến Mỹ Thuận”.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận Quách Văn Ngân thông tin: “Trên địa bàn xã, ngoài cây lúa, người dân bao đời đã gắn bó với cây bồn bồn. Diện tích bồn bồn khoảng 40ha được trồng tập trung ở một số ấp: Phước An, Phước Bình, C1, D1… Tuy nhiên, diện tích trên đã giảm 10ha so cùng kỳ năm trước, nguyên nhân bà con nông dân giảm trồng bồn bồn do giá thấp, đầu ra của cây bồn bồn gặp nhiều khó khăn nên chuyển đổi sang trồng lúa hay nuôi thủy sản. Đối với những hộ dân ấp C1, tận dụng có tuyến đường Tỉnh lộ 940 ngang qua đã kinh doanh sản phẩm bồn bồn tươi và làm dưa tự trồng, mang về nguồn thu nhập tương đối ổn định”.


Theo chân nông dân Việt sang “du học” ở xứ sở nhân sâm Theo chân nông dân Việt sang “du học”… "Bí kíp" siêu độc lạ trừ sâu cuốn…