Nông dân vẫn khát vốn
Khó tiếp cận đồng vốn
Theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vay vốn ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, người dân có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế, nhất là khi hạn mức vay không cần tài sản thế chấp lên mức 50 triệu đồng/hộ nông dân, và mức vay tối đa với HTX là 500 triệu đồng.
Nhưng thực tế, nông dân lẫn các HTX không dễ vay vốn theo hình thức này.
Bà Nguyễn Thị Huệ, ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) bày tỏ:
Tôi là người gắn bó lâu đời với nghề buôn bán quần áo, có tài sản, vợ chồng, con cái có thu nhập ổn định khi nghe có thể vay đến 50 triệu đồng mà không cần thế chấp, tôi rất vui, định sẽ vay để mở rộng cửa hàng, nhưng khi đi hỏi các ngân hàng thì nơi nào cũng đòi sổ đỏ.
Ngân hàng đòi sổ đỏ đã đành, còn đòi giấy chứng nhận lô sạp, thủ tục rườm rà, hạn mức vay cao lắm là 30 triệu đồng.
Với hạn mức vay thế không giải quyết được vấn đề nên lâu nay tôi đành vay mượn ngoài chợ với lãi suất cao khi cần xoay sở. Cơ chế, chính sách có, nhưng nông dân rất khó tiếp cận vốn ưu đãi.
Đây là khó khăn chung của hầu hết nông dân.
Họ khó tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng, nếu có cũng chỉ ở hạn mức rất khiêm tốn, còn các HTX và trang trại thì càng khó hơn.
Theo Sở NN&PTNT, hầu hết các trang trại chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, nếu có cũng chỉ là vốn vay ngắn hạn, mức cho vay thấp nên khả năng đầu tư của các trang trại cũng chỉ cầm chừng, trong khi nhu cầu đầu tư vốn của các trang trại rất lớn.
Nguyên nhân là do chủ trang trại sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, phần lớn đất của trang trại là đất thuê.
Các HTX rơi vào tình trạng nhiều không: Không trụ sở, ít vốn hoặc không có vốn điều lệ, không có phương án sản xuất, kinh doanh… nên các ngân hàng càng e ngại hơn.
Ông Nguyễn Mạnh- Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Nguyên 2 (Bình Sơn) than thở: “Chúng tôi mang hồ sơ đến Sở TN&MT đã 3 năm rồi mà vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có sổ đỏ còn lâu hợp tác xã mới tiếp cận được với ngân hàng.
Các thành viên phải tự vay bằng sổ đỏ cá nhân để hùn vốn vào”.
Mặc dù HTX này thuộc diện ăn nên làm ra, vốn điều lệ đến nay đạt gần 1 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Hợp tác đã đã huy động được 3,6 tỷ đồng và dư nợ đến 3,8 tỷ đồng.
HTX kinh doanh 4 loại hình dịch vụ là tín dụng nội bộ, thủy lợi, trồng rừng và khai thác cây lâm nghiệp, giống cây trồng.
Tín dụng nội bộ huy động vốn của xã viên và nhân dân rồi cho vay lại theo hình thức tín chấp.
Không ít doanh nghiệp đã tìm đến HTX để vay vốn tín chấp lên đến hơn 100 triệu đồng thay vì chọn ngân hàng.
“Muốn vay ngân hàng phải qua nhiều khâu, thủ tục rườm rà, đến chúng tôi chỉ 15 phút là cầm được tiền về.”- ông Mạnh cho hay.
Ngân hàng thương mại ít mặn mà
Đến nay dư nợ lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tập trung ở Ngân hàng NN&PTNT và một số rất ít các ngân hàng khác.
Dư nợ cho vay cho vay nông nghiệp, nông thôn tại Ngân hàng NN&PTNT đến 31.8.2015 là 4.312 tỷ đồng, tăng 1.599 tỷ đồng so với năm 2010.
Dẫu vậy, con số trên còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của nông dân. Ngân hàng ít mặn mà vì đây là lĩnh vực nhiều rủi ro.
Khảo sát một vòng các ngân hàng thương mại cổ phần, chúng tôi đều nhận được câu trả lời tương tự “chưa thực hiện được”, duy nhất Ngân hàng Phát triển TP.
Hồ Chí Minh chi nhánh Quảng Ngãi (HDBank) chọn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là đối tác.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận không mặn mà cho vay nông nghiệp do đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mất mùa.
Trong khi tài sản thế chấp của nông dân chủ yếu là đất vườn, đất ruộng, giả sử tình huống xấu nhất là nông dân không trả nợ được phải xử lý tài sản, bán cũng không ai mua.
Ông Trần Vũ Ban- Giám đốc HDBank cho biết, Ngân hàng mới thành lập và đi vào hoạt động tại địa bàn Quảng Ngãi nên lượng khách hàng còn hạn chế.
Với ưu thế nông dân chiếm đến 70% dân số nên phương châm của ngân hàng là đẩy dòng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, ông Ban cũng thừa nhận rằng, ngân hàng cũng phải chọn mặt gửi vàng, phải thẩm định tài sản thế chấp, phương án kinh doanh mới đưa ra hạn mức cho vay phù hợp, nhưng chắc chắn là hạn mức cho vay sẽ cao hơn các ngân hàng khác.
Giải “khát” vốn cho nông dân?
Trước những bất cập trong 5 năm triển khai Nghị định 41, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đây được coi là giải pháp để đưa nguồn vốn tín dụng đến với nông dân, thế nhưng thực tiễn thì chưa biết sẽ ra sao?
Mức cho vay không có tài sản bảo đảm tăng gấp 1,5- 2 lần so với qui định tại Nghị định 41.
Cụ thể là, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; tối đa 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh; tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại.
Cơ chế, chính sách là thế, nhưng để phát huy hiệu quả tối ưu, nông dân rất mong các tổ chức tín dụng nên mở rộng đối tượng, địa bàn cho vay.
Như vậy, người dân mới có thể hưởng lợi ích cao nhất từ chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ