Nông Dân Xã Bình Nhì (Gò Công Tây) Thiệt Hại Vì Trồng Giống Ớt Mới
Những ngày qua, 14 hộ nông dân ở ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây đang “khóc dở” vì đã trồng giống ớt mới có tên là Hồng Hạc 2 của Công ty TNHH Giống cây trồng Long Hoàng Gia, địa chỉ 922/8 Cách mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Bao hy vọng vụ ớt này sẽ cho năng suất cao nhờ thời tiết thuận lợi, trà ớt phát triển tốt, nhưng chưa kịp vui mừng thì nhiều ruộng ớt của nông dân trong giai đoạn 80 - 90 ngày tuổi cứ đứng khoe cành, khoe lá không ra bông, hoặc ra bông lác đác rồi rụng, tỷ lệ đậu trái thấp, nhiều ruộng ớt có nguy cơ thất trắng, phải nhổ bỏ.
Đến cánh đồng Đội 7, ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, vụ thu đông này bên cạnh cây lúa và một số hoa màu như: dưa hấu, cà chua, cà tím, ớt... có 14 hộ nông dân trong ấp được một nhóm nhân viên giới thiệu là tiếp thị của Công ty TNHH Long Hoàng Gia về địa phương tổ chức hội thảo kỹ thuật bán hạt giống ớt mới nhập có tên là Hồng Hạc 2, khuyến mãi mua 5 gói hạt giống (mỗi gói 129.000 đồng) được tặng 1 bộ áo mưa. Bà con rủ nhau mua hạt giống ớt Hồng Hạc 2 trồng thử.
Thời gian đầu trà ớt phát triển tốt, đến giai đoạn ớt được 65 ngày tuổi đáng lẽ ra bông, cho trái như những giống ớt F1 trước đây bà con đã trồng, thì ngược lại, giống ớt Hồng Hạc 2 không ra bông, hoặc ra bông lác đác rồi rụng, tỷ lệ đậu trái thấp, không được 20%.
Giống ớt Hồng Hạc 2 khi đậu trái cuốn ớt quay lên trên, đầu quay xuống, ớt đã ít trái, gặp phải trời mưa bị thối, úng gần hết. Có ruộng ớt nông dân kiên trì chờ đợi đến giai đoạn 90 ngày tuổi vẫn cứ đứng “khoe” cành lá không ra bông, đậu trái như lời giới thiệu của nhân viên tiếp thị. Theo khảo sát của bà con, trong 100 cây ớt gống Hồng Hạc 2 trồng vụ này chỉ có khoảng 4 - 5 cây có trái, mỗi cây có trái cũng chỉ được từ 5 - 10 trái.
Hộ ông Hồ Ngọc Bỉnh, mua 35 gói hạt giống Hồng Hạc 2, mỗi gói 129.000 đồng để trồng 0,6 ha. Khi xuống bầu, thấy ớt lên đều và thời tiết thuận lợi nên gia đình tập trung sức lực chăm sóc kỹ lưỡng. Ớt phát triển rất tốt, thân cây mập mạp, có chiều cao trên 70 cm, cành lá sum sê, đến thời điểm cây ớt cho trái nhưng ớt vẫn không trổ bông.
Ông Bỉnh bức xúc, cho biết: “Mấy năm trước nhà tôi trồng giống ớt Chánh Phong, thời điểm này đã cho thu hoạch, ớt chín đỏ gốc. Năng suất vụ ớt trúng mỗi công hơn 1 tấn, vụ thất cũng ở mức 800 - 900 kg/công. Vụ này nhân viên Công ty TNHH Long Hoàng Gia tiếp thị trực tiếp nông dân quảng cáo giống ớt mới Hồng Hạc 2 cho năng suất cao, trái cứng, da bóng, trồng trong mùa mưa không lo bị nổ, thối... bà con nông dân rủ nhau mua trồng.
Mới trồng, ớt phát triển tốt nhưng không biết do giống hay lý do gì mà đến nay đã hơn 3 tháng, cây ớt không chịu ra bông, cho trái. Trong khi đó trên bao bì, nhãn mác in giống ớt Hồng Hạc 2, thời gian trồng 65 ngày sẽ cho thu hoạch!? Trồng giống ớt này năm nay nông dân bị lỗ nặng; đến giờ, chỉ tính tiền giống, phân, thuốc... đã hơn 10 triệu đồng/công, đó là chưa tính công lên liếp”.
Theo số liệu chưa đầy đủ, chỉ tính riêng ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì đã có trên 4 ha ớt của 14 hộ nông dân bị thiệt hại, tập trung ở Đội 6, Đội 7 và còn một số diện tích rải rác các ấp khác như Bình Hòa Long, Bình Hòa Đông. Trong số này, hộ nông dân có diện tích trồng ớt nhiều nhất là 0,6 ha, hộ ít từ 0,2 - 0,3 ha. Điều đáng nói là trên cùng một cánh đồng nhưng chỉ có những đám ruộng trồng giống ớt chỉ thiên Hồng Hạc 2 là bị hiện tượng như trên.
Trước tình hình này, ngày 1-10-2014, bà con nông dân trồng ớt đã điện mời Công ty TNHH Giống cây trồng Long Hoàng Gia đến thực tế xem xét có hướng giúp đỡ. Phía công ty cứ hẹn lần, hẹn lựa, mãi đến ngày 7-10 công ty cử 3 nhân viên đại diện đến ruộng ớt bà con để khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân vì sao ớt không cho trái.
Tuy nhiên, phía đại diện công ty vẫn chưa lý giải được nguyên nhân tại sao dẫn đến tình trạng trên và không chịu trách nhiệm bồi thường, mà chỉ bảo người trồng ớt cứ tiếp tục theo dõi. Bức xúc, 14 hộ dân trồng ớt đã làm đơn phản ánh đến UBND xã Bình Nhì và Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây để có hướng xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ