Mô hình kinh tế Nông nghiệp nông dân miền Tây còn ngơ ngác với TPP

Nông nghiệp nông dân miền Tây còn ngơ ngác với TPP

Ngày đăng 13/10/2015

Nông nghiệp nông dân miền Tây còn ngơ ngác với TPP

Một khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là đã chấp nhận căng buồm ra biển lớn.

Tuy nhiên, từ ĐBSCL, niềm vui và nỗi lo khi Việt Nam gia nhập TPP cứ đan xen vào nhau

Bởi trên thực tế, TPP là một khái niệm hoàn toàn mới với nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý, người nông dân tại khu vực có thế mạnh về nông nghiệp nhưng lại hạn chế trong những bước đi của tiến trình hội nhập quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Hải, ở xã Tân Thuận Tây, Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có 5 ngàn m2 đất trồng xoài.

Từ những năm đầu trồng để tiêu thụ trong nước, giờ đây ông phấn khởi khi nắm thông tin xoài Cao Lãnh có cơ hội được xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản...

Thế nhưng, từ sự vui mừng chuyển sang lo lắng vì không biết sản phẩm mình trồng có được cơ hội xuất khẩu không. Rồi giờ đây, ông lại quay trở lại trạng thái ban đầu, đó là trồng làm sao có năng suất cao, trông chờ vào sự may mắn của thị trường để bán được giá.

Bởi cho đến nay, ông ít có thông tin về kiến thức hội nhập cũng như nắm bắt những cơ hội và thách thức của đất nước trong tiến trình hội nhập.

 

Xoài trồng nhiều ở Đồng Tháp nhưng phần lớn nông dân chỉ xuất khẩu thô, chưa kết tinh thành giá trị.

“Nông dân chúng tôi không có điều kiện để quan hệ với doanh nghiệp, tổ chức mua bán hay vấn đề xuất khẩu. Vì thế, mong làm sao được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, mua bán được ổn định,” ông Hải chia sẻ.

Nhìn vào thực trạng những năm gần đây cho thấy nông dân ĐBSCL mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa, trái cây đều canh cánh nỗi lo tồn đọng, rớt giá. Nơi đây, sản lượng trái cây lớn nhưng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ...

Bên cạnh đó, một nghịch l‎ý đáng nói là cùng với những vùng miền khác, ĐBSCL cũng phải đang chịu nhiều thách thức khi nhiều loại cây ăn trái có cùng chủng loại được nhập về từ Thái Lan lại được ưa chuộng hơn.

Từ nhãn, xoài, bòn bon v.v.. đã bắt đầu thâm nhập thị trường với giá trị nhập khẩu từ Thái Lan lên đến trên 134 triệu USD.

Đây là vấn đề đáng quan tâm đối với ngành nghề sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả ở khu vực có nhiều tiềm năng.

Qua đó cho thấy, ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL đang trước áp lực đổi mới rất lớn để thích ứng với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta nói chung, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL chỉ còn đường tiến, không thể lùi vì TPP đã gần chạm đích. Chính vì thế, theo PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, khu vực này phải gấp rút tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng lớn.

Bên cạnh đó, chuyển đa số nông dân hoạt động theo cung cách truyền thống trở thành những công nhân nông nghiệp được đào tạo, có kỹ năng và nhạy bén với thị trường.

Sản xuất cây ăn trái quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ ở ĐBSCL sẽ khó khi xuất khẩu số lượng lớn.

Hiệp định thương mại tự do TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam gia tăng thương mại với Nhật Bản và Mỹ.

Với mức thuế suất gần như 0% sẽ giúp đất nước gia tăng xuất khẩu, trong đó đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, thế mạnh của ĐBSCL.

Tuy nhiên, thực trạng sản xuất nông nghiệp của khu vực này hiện vẫn theo quy mô hộ gia đình là chính; khoa học công nghệ vẫn chưa có sự phát triển đủ mạnh nên thực tế vẫn chưa kéo sản xuất phát triển để tạo ra sức cạnh tranh cao cho sản phẩm làm ra. PGS - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

“Lợi thế của ĐBSCL là nông nghiệp. Muốn phát huy lợi thế này thì không thể dựa vào nền tảng nông dân với hàng triệu hộ với phương thức canh tác cổ truyền như bây giờ.

Muốn nền nông nghiệp mang tính cạnh tranh phải phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp mà chủ lực phải là doanh nghiệp. Người dẫn dắt về phương thức phải là doanh nghiệp,” TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

TPP sẽ mang cơ hội để nông dân các nước tham gia tăng tính cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp.

Nông sản Việt sẽ có cơ hội được xuất sang các nước nhiều hơn. Ngược lại, nông sản của các quốc gia khác cũng sẽ ồ ạt vào thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam.

Vì thế, ngay từ bây giờ, phải giúp cho nông dân hiểu khái niệm cốt lõi TPP là gì, từ đó mới có thể nói đến những vấn đề sâu xa hơn.

Đây là đòi hỏi thiết thực nhất để người nông dân có đủ tâm thế khi chính thức bước vào cuộc cạnh tranh “khốc liệt”.

Từ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần có những giải pháp kịp thời để thúc đẩy tiêu thụ nông sản gắn với vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp; tận dụng cơ hội, khắc phục các thách thức của hội nhập để sản phẩm từ nông nghiệp của ĐBSCL đủ sức cạnh tranh trên thị trường.


Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh Sữa ngoại đè người nuôi bò Sữa ngoại đè người nuôi bò