Nóng ruột chuyện xuất khẩu cà phê
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (nguồn: theice.com)
Giá xấu khắp chốn thị trường
Thị trường cà phê bất ngờ chuyển biến xấu. Trong tuần, giá cà phê trên sàn kỳ hạn và trên các vùng nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên đã thực sự xuống các mức thấp mới.
Sáng nay, giá cà phê nguyên liệu tại một số nơi được chào mua ở mức 34 triệu đồng/tấn, giảm 1 triệu đồng/tấn so với tuần trước và mất 7 triệu đồng/tấn so với đầu mùa vào tháng 10-2014, và cũng là mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ đến nay.
Trên sàn kỳ hạn, thị trường ghi nhận giá cà phê arabica và robusta có lúc muốn vượt qua những ngưỡng quan trọng như arabica đã lên trên 121 xu/cân Anh (cts/lb) và robusta trên 1.600 đô la Mỹ/tấn. Nhưng ngay sau đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ bậc tín nhiệm nợ của Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, dẫn tới kết quả là một đợt bán tháo trên sàn đã kéo giá hai kỳ hạn cà phê xuống mức sâu nhất trong niên vụ 2014-15.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, sàn kỳ hạn robusta London - nơi cà phê Việt Nam thường lấy giá làm tham chiếu - chốt mức 1.552 đô la/tấn, giảm 47 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1 phía trên) và arabica tại mức 116,55 cts/lb mất 2,70 cts/lb so với cuối tuần trước.
Nhìn kỹ biểu đồ, ta thấy từ đầu niên vụ (10-2014) đến nay, đỉnh giá càng lúc càng hạ: từ trên 2.200 đô la/tấn, xuống dần đến trên 2.100 đô la/tấn dịp tết Nguyên đán và nay chỉ còn 1.552 đô la/tấn.
Mua bán hàng thực trên thị trường rất khó khăn vì giá đang ở mức thấp. Nếu như gom hàng trước, khi giá còn cao thì rủi ro thua lỗ rất lớn; người mua cũng đang ngập ngừng trước diễn biến xấu gần đây trên các sàn kỳ hạn.
El Nino có cứu được giá cà phê?
Nhiều cảnh báo thời tiết quốc tế cho rằng El Nino quay lại và hoành hành tại khu vực xích đạo trên biển Thái Bình Dương. Đây là hiện tượng thời tiết thất thường và khắc nghiệt, gây bão lũ lụt lội nơi này, hạn hán chỗ khác. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nói rằng El Nino đợt này có thể có cường độ mạnh nhất tính từ năm 1997/98 và không khéo mạnh nhất tính từ 1950.
Những nước trồng cà phê trong khu vực bị ảnh hưởng khá rộng, từ châu Phi đến Peru và các nước vùng Nam Mỹ, đến hai nước Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên, khi Brazil nhận mưa do chịu ảnh hưởng hiện tượng này thì cũng là lúc các vùng cà phê nước này cần nước, nên mức độ ảnh hưởng đến sản lượng cà phê Brazil sẽ không lớn.
Biểu đồ 2: Dao động đồng nội tệ so với đồng đô la Mỹ của một số nước xuất khẩu cà phê
“Chiến tranh” tiền tệ nóng hơn thời tiết
Căng thẳng hiện nay với thị trường cà phê có lẽ do các đồng nội tệ các nước sản xuất và xuất khẩu cà phê bị phá giá liên tục và mạnh so với đồng đô la Mỹ, gây áp lực lên giá của các sàn kỳ hạn cà phê vốn lấy đồng đô la Mỹ làm đồng tiền giao dịch.
Nếu như tính từ 9-2014, tháng trước khi vào vụ cà phê 2014-15 hiện hành, đồng nội tệ các nước xuất khẩu arabica lớn như Brazil và Colombia giảm mạnh trên 50%. Đồng rupiah Indonesia cũng giảm chừng 20% trong khi tiền đồng Việt Nam chỉ giảm 6% (xin xem biểu đồ 2 - màu xanh dương chỉ đồng nội tệ Brazil, xanh lục Colombia, vàng chỉ Indonesia và đỏ chỉ Việt Nam).
Cái lợi hại của việc phá giá đồng nội tệ là mua bán cà phê trên thị trường nội địa được trả giá càng cao bất chấp giá trên sàn kỳ hạn tính bằng đồng đô la Mỹ là bao nhiêu. Do mức độ phá giá của tiền đồng nước ta không đủ mạnh, giá nội địa không hấp dẫn và phải phụ thuộc vào giá trên sàn kỳ hạn.
Chính vì vậy, hàng cà phê nước ta không bán được và chịu mang tiếng “ghim hàng” nhưng thực chất người nông dân và nhà xuất khẩu nội địa phải chịu “thiệt đơn thiệt kép”. Càng trữ càng thua, càng mua càng lỗ, …khi bán ra giá càng thấp mà chẳng có gì bù đắp.
Trong khi đó, theo ICO (Tổ chức Cà phê Thế giới), khối lượng xuất khẩu cà phê trong 10 tháng đầu niên vụ 2014-15 của thế giới đạt 93,85 triệu bao (60 kg x bao), chỉ giảm 2,8% so với cùng năm trước. Trên thị trường toàn cầu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có mức giảm mạnh nhất (trên 30%) nhưng nhờ các lượng xuất khẩu cà phê các nước cạnh tranh khác kéo lại nên khối lượng chung ít suy suyển.
Dữ liệu mới nhất của sàn kỳ hạn Ice robusta London cho biết trong 11 ngày đầu của tháng 9-2015 nay là tháng giao ngay (spot month), đã có 15.900 tấn đấu giá thành công trong đó chủ yếu là hàng cà phê robusta đến từ Brazil và vài nước khác, cà phê từ Việt Nam không tham gia một bao nào. Nói vậy để thấy rằng hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang chịu “lép vế” dù là nước có sản lượng cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ