Mô hình kinh tế Nông Sản An Toàn

Nông Sản An Toàn

Ngày đăng 02/05/2014

Nông Sản An Toàn

“Đối với thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa hiện nay, tôi cho rằng, đây là “thời” của những sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch. Sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý là tiêu chí lựa chọn của thị trường và người tiêu dùng. Bà con nông dân cần nhận thức rõ vấn đề này”- ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tỉnh An Giang, nói.

Tình trạng bắp cải, hành lá và các mặt hàng rẫy của những nông dân sản xuất mang tính tự phát, không theo quy trình đã bị rớt giá một cách thê thảm từ đầu năm đến nay khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì sản phẩm không bán được. Nguyên nhân do người trồng bắp cải, hành lá xịt thuốc tăng trưởng, thuốc sâu một cách vô tội vạ trước khi mang đi bán.

Quy trình sản xuất không được kiểm soát, người tiêu dùng biết được đã nhanh chóng tẩy chay. “Nói thật, chúng tôi trồng bắp cải, đậu bắp, hành lá là để bán chứ không dám ăn vì sợ bị nhiễm độc” – ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân trồng rẫy ở xã Bình Thạnh (Châu Thành) bộc bạch.

Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của một công ty chế biến cá tra có quy mô lớn ở An Giang cho biết: “Người tiêu dùng ở các nước phát triển rất hào hứng mua sản phẩm đạt chất lượng với giá cả tốt nhất. Sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định do nước nhập khẩu đưa ra.

Khái niệm “sạch từ vùng nuôi cho đến bàn ăn” đã được người tiêu dùng thế giới vận dụng một cách triệt để, vì vậy đối với sản phẩm được công nhận là sạch, an toàn thì thị trường tiêu thụ rất rộng lớn.

Vấn đề ở đây là chúng ta có dám “kiên định” mục tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sạch để phục vụ người tiêu dùng thế giới hay không? Vì sản xuất sạch thì chi phí cao, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm được khách hàng thực sự cần sản phẩm đó; trong khi các hệ thống phân phối lớn, cần hàng chất lượng thì chúng ta chưa thâm nhập được.

Đến thời điểm này, tại An Giang, trong số gần 20 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, chỉ có Công ty TNHH SX TM DV Thuận An là được phép xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp còn lại đã bị “tuýt còi” vì sản phẩm không an toàn.

Riêng đối với mặt hàng rau quả đông lạnh, hơn 10 năm nay, nhờ kiên định mục tiêu sản xuất sạch, an toàn cho người tiêu dùng, sản phẩm của Công ty Antesco vẫn xuất mạnh vào thị trường khó tính như Nhật Bản, EU. “Hiện nay, thị trường nông sản luôn lẫn lộn hàng chất lượng cao với hàng chất lượng thấp. Tình trạng gian lận thương mại cứ tiếp tục diễn ra.

Sự gian lận này đã làm triệt tiêu nền sản xuất mang tính bền vững, làm cho sản phẩm của những người sản xuất theo quy trình an toàn, sạch không bán được”- Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX. Tân Châu Nguyễn Thanh Hùng, nói.

“Nông sản-thực phẩm sạch là yêu cầu cơ bản, thiết yếu, sống còn của con người. Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn là có thật và rất lớn. Do vậy, vấn đề sạch hay không là do công tác quản lý của Nhà nước. Nếu cứ đến đợt cao điểm tuyên truyền thì cổ động ào ào, qua đợt rồi thì đâu cũng vào đấy.

Làm như vậy thì rất khó. Nhà nước cần xử lý tới nơi tới chốn những người làm ăn gian dối để những người làm ăn đàng hoàng “có đất” để sống, người tiêu dùng trong và ngoài nước có những sản phẩm thực sự an toàn, sạch”- ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang– bày tỏ.


Nhìn Dưa Hấu, Lo Nông Sản Nhìn Dưa Hấu, Lo Nông Sản Sáng Chế Máy Nông Nghiệp Thiếu Sáng Chế Máy Nông Nghiệp Thiếu "Bà Đỡ"