Nông sản Việt thấm đòn nhân dân tệ
Dù đã lường trước, nhưng việc đồng nhân dân tệ (NDT) liên tục phá giá đã giáng những cú đấm rất mạnh vào doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản.
Ông Trần Phước Long - Giám đốc một công ty nông sản ở Vĩnh Long than thở trên báo chí: “Phía Trung Quốc đang đề xuất doanh nghiệp Việt Nam giảm giá kể cả phải phá bỏ hợp đồng đã thỏa thuận trước đó, nếu không họ sẽ giảm số lượng nhập hoặc tìm kiếm nhà xuất khẩu khác. Thời gian qua xuất khẩu gạo không hề dễ dàng, nay thêm sức ép này nữa DN không biết xoay xở thế nào”.
Công ty của ông Long mỗi năm thông quan 3-4 triệu tấn gạo theo đường tiểu ngạch. Và việc phá giá đồng NDT đang khiến DN phải chịu “thiệt hại kép”: Giao dịch với “bạn” bằng NDT- đổi sang USD để kê khai thuế tại hải quan cửa khẩu, và sau đó bán lấy tiền VND.
Thiệt hại kép từ “cú đòn kép”: Phá giá đồng NDT. Và bị ép trắng trợn. Chưa kể đến mối lo sắp trở thành hiện thực là các “đối thủ truyền thống” từ Thái Lan, từ Philippines, từ Campuchia nhân cú ngã ngựa này sẽ vượt lên chiếm lĩnh thị trường.
Và trong “cuộc chiến tiền tệ”, DN Việt phải hứng cả những cú “đòn dưới thắt lưng”.
Chẳng hạn các đầu mối trung gian nhập khẩu từ phía “bạn” đang tự tung tự tác “té nước” ăn theo đồng NDT khi buộc các DN Việt xuất hàng đi Australia, Hàn Quốc, Đức... qua họ phải thanh toán theo NDT.
Tại sao DN Việt bị ép trắng trợn, bị “ăn đòn dưới thắt lưng”? Câu trả lời ai cũng thừa biết. Vì chúng ta có những mặt hàng nông sản xuất khẩu gần như phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường: 460.000-500.000 tấn cao su nguyên liệu, tức là ½ tổng sản lượng cao su xuất khẩu là xuất vào thị trường Trung Quốc; 38,1% trong số 3,72 triệu tấn gạo Việt Nam đã xuất khẩu là vào thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc cũng nhập khẩu ngót nghét 90% tổng số lượng sắn xuất khẩu.
Còn hàng thủy sản, sau cú sốc euro và yen Nhật, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 17%, nay tiếp tục khó có thể cạnh tranh ngay với các đối thủ “truyền kiếp”: Trung Quốc và Thái Lan.
Có người nói nông sản xuất khẩu Việt còn chưa khỏi ốm sau những cú sốc yen Nhật, euro, lại phải tiếp tục thượng đài ngay cả khi cánh tay còn chưa nâng lên nổi. Và kết quả của cuộc chiến không cân sức này là người chịu thiệt hại, người bị ép cuối cùng, rút cục vẫn là người nuôi trồng, người sản xuất. Vẫn chỉ là nông dân mà thôi. Làm gì để cứu nông dân? Câu trả lời quá dễ. Nâng cao chất lượng nông sản- để có thể tới khắp nơi trên thế giới. Mở rộng thị trường khó tính nhưng giá trị cao- để thoát khỏi sự lệ thuộc vào một thị trường…
Chỉ có điều, lý thuyết ấy không biết bao giờ mới trở thành thực tế!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ