Tin nông nghiệp Nông thôn khổ với chất thải chăn nuôi

Nông thôn khổ với chất thải chăn nuôi

Tác giả Thanh Duy, ngày đăng 20/06/2016

Nông thôn khổ với chất thải chăn nuôi

Sống chung với ô nhiễm

Gần 4 năm qua, 70 hộ dân sống dọc theo tuyến kênh Tu Hú thuộc địa phận ấp 8, xã Hòa An (Phụng Hiệp) hàng ngày phải sống chung với nguồn nước tuyến kênh bị ô nhiễm. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do 2 trang trại cá trên địa bàn xả nước trực tiếp ra kênh.

Với các trường hợp đã lập biên bản nhưng không xử lý triệt để, huyện sẽ cho tạm dừng hoạt động, phối hợp với các ngành chức năng tỉnh lấy mẫu nước, không khí, môi trường xung quanh để có hướng xử lý”.

Ông Trần Không Dận

Biết là nguồn nước đang bị ô nhiễm, nhưng không còn cách nào khác, hàng ngày những hộ dân nơi đây phải lấy nước dưới dòng kênh Tu Hú lóng lại để sử dụng trong nấu ăn và sinh hoạt gia đình. Bà Lê Thị Ánh Nguyệt (ấp 8 xã Hoà An) phản ánh: Ở đây không có cây nước máy, nên không còn cách nào khác phải dùng nguồn nước dưới tuyến kênh này. Trước kia chưa có 2 trại cá, nước còn trong, nhưng từ khi có trại cá, thỉnh thoảng lại xả nước thải ra kênh, dòng kênh nước không lưu thông được nên ngày một ô nhiễm.

“Mặc dù chúng tôi đã dùng các loại hóa chất lọc nước để sử dụng, nhưng đôi khi tắm rửa cũng bị ngứa, dị ứng da. Dù rất khó khăn, nhưng cũng gia đình tôi không biết phải làm gì, bởi ngoài tuyến kênh này thì không có nguồn nước nào khác để sử dụng” – bà Nguyệt ngao ngán thở dài.

Cũng giống tâm trạng của người dân ấp 8, xã Hòa An  là sự lo lắng của các hộ dân ấp Hòa Phụng A, thị trấn Kinh Cùng.  Bởi theo ghi nhận, khu vực này với  bán kính chưa đầy 500m, nhưng đã có 2 cơ sở chăn nuôi lợn và 1 bãi rác gây ô nhiễm. Thời điểm nắng nóng, oi bức,  mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong khu vực.

Cần quy hoạch lại chăn nuôi

Hiện nay trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có 22 cơ sở chăn nuôi có đăng ký, (nhưng trong đó đã có đến 36% số cơ sở bị phát hiện nguy cơ  gây ô nhiễm). Con số thống kê là vậy, nhưng trên thực tế trên địa bàn huyện hiện nay còn hàng trăm cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang từng ngày, từng giờ xả chất thải làm hủy hoại môi trường sống ở khu vực nông thôn. Ông Trần Không Dận - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho hay: Trên địa bàn, đa phần người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, xả thải bừa bãi nên đã làm ảnh hưởng đến đời sống của chính người dân trong khu vực chăn nuôi. Trước tình hình đó, huyện cũng đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

“Với những cơ sở nhỏ khi chúng tôi phát hiện sẽ lập biên bản, yêu cầu cơ sở xử lý. Với những cơ sở chăn nuôi lớn, khi phát hiện quy trình xử lý chất thải không như đăng ký ban đầu sẽ lập biên bản xử lý hành chính, yêu cầu cơ sở xử lý và sẽ tái kiểm tra” – ông Dận nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dận cho biết thêm: Hiện nay huyện đang trong quá trình quy hoạch lại ngành chăn nuôi. Chúng tôi khuyến khích người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm.


Nông nghiệp tìm kế vượt khó Nông nghiệp tìm kế vượt khó Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy phân Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy…