Tin nông nghiệp Nông thôn mới TP.HCM: Ngân sách bỏ 1 đồng, huy động được... 32 đồng

Nông thôn mới TP.HCM: Ngân sách bỏ 1 đồng, huy động được... 32 đồng

Tác giả Hứa Phương - Thuận Hải, ngày đăng 24/10/2016

Nông thôn mới TP.HCM: Ngân sách bỏ 1 đồng, huy động được... 32 đồng

Để đạt mục tiêu thu nhập bình quân vùng nông thôn năm 2020 thấp nhất 63 triệu đồng/người/năm, TP.HCM sẽ phát triển các mô hình tổ chức sản xuất quy mô lớn như kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, làng nghề, doanh nghiệp, đồng thời tổ chức lại sản xuất...

Ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cho 54/56 xã; 3/5 huyện gồm Củ Chi, Nhà Bè và Hóc Môn cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015.

Tiêu chí mới bám sát đặc thù

Thông tin từ UBND TP.HCM, trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn nhằm duy trì các tiêu chí đã đạt được, kết hợp nâng cao chất lượng các tiêu chí này. Theo đó, nếu giai đoạn 2010 – 2015, thành phố vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất vừa tập trung xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng để đảm bảo phát triển giao thương, thực hiện an sinh xã hội thì giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tập trung vào các nội dung như phát triển sản xuất; nâng cao thu nhập; giảm nghèo bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Trong ảnh: Sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. ảnh: Thuận Hải

Riêng trong năm 2016, TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí NTM theo đặc thù vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời, ban hành các kế hoạch chỉ đạo, chương trình, dự án và các chủ trương làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ giai đoạn 5 năm tới.

Để thực hiện mục tiêu như phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân, TP.HCM đưa ra nhiều chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn. Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 1.300 hộ dân được hỗ trợ lãi vay với tổng vốn đầu tư gần 730 tỷ đồng và tổng vốn vay đạt 469 tỷ đồng.

Với chính sách này, từ 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay đã huy động được 32 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ ngân hàng là 19 đồng, huy động trong dân là 13 đồng.

Ngoài ra, thành phố cũng có chính sách khuyến khích áp dụng quy trình VietGAP trong nông nghiệp và thủy sản. Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ từ 30 – 100% kinh phí thực hiện xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà sơ chế đóng gói, hỗ trợ mua máy cơ khí, phân tích mẫu đất, nước, hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông…

Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn

UBND TP.HCM cho biết, sắp tới thành phố sẽ triển khai thực hiện xây dựng thí điểm HTX nông nghiệp tiên tiến. Theo đó, mỗi huyện phải xây dựng ít nhất 3 thương hiệu HTX đặc trưng để làm cơ sở đánh giá kết quả tình hình thực tế; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Là đô thị đặc biệt, ngành nông nghiệp TP.HCM tập trung chủ yếu phát triển theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Mục tiêu này cũng được lồng ghép cụ thể trong Chương trình xây dựng NTM đến năm 2020.

Theo đó, thành phố sẽ thông qua việc thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh công nghệ cao. Ngoài ra, việc sản xuất phải được tổ chức lại, tiến tới xây dựng theo chuỗi giá trị thông qua liên kết, hợp tác giữa nông dân với nông dân hay giữa nông dân với doanh nghiệp. Đây là điều kiện để đưa các tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào sản xuất. Ngoài ra, thành phố sẽ thực hiện kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; định hướng phát triển cây con chủ lực gồm bò sữa, bò thịt, hoa lan, cây kiểng, heo, cá cảnh, rau an toàn, tôm sú… Thông qua các mô hình kinh tế này, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn thấp nhất phải đạt 63 triệu đồng/người/năm.

Trong khi đó, năm 2016 được TP.HCM xác định là năm hành động cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo VSATTP, tập trung kiểm soát chất cấm, dư lượng thuốc BVTV; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức tại thành phố với các tỉnh trong vùng để xây dựng “Chuỗi thực phẩm an toàn” tại các vùng nguyên liệu, tổ chức kiểm tra giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm tại 7 vùng cung cấp chủ lực rau, thịt cho thành phố.

Đặc biệt, để tư vấn, cung cấp địa chỉ, sản phẩm thực phẩm an toàn cho người dân, thành phố đã chỉ đạo các cấp ngành liên quan tổ chức thường xuyên Chợ phiên nông sản An toàn năm 2016, bắt đầu từ tháng 8.2016, tại 195 Cao Thắng, phường 12, quận 10. /.


Sửa đổi thói quen để có rau sạch Sửa đổi thói quen để có rau sạch Chăn nuôi gia súc, gia cầm: Chọn đúng thế mạnh để gửi vàng xuất khẩu Chăn nuôi gia súc, gia cầm: Chọn đúng…