Tin nông nghiệp Nữ phiên dịch đầu tư 3 triệu USD trồng nấm theo công nghệ Nhật

Nữ phiên dịch đầu tư 3 triệu USD trồng nấm theo công nghệ Nhật

Tác giả Giang Tạ, ngày đăng 07/03/2018

Nữ phiên dịch đầu tư 3 triệu USD trồng nấm theo công nghệ Nhật

Chị Dương Thu Huệ đang quản lý nhà máy 3.000m2, công suất trồng 1,5 tấn nấm kim châm mỗi ngày.

Đóng gói nấm kim châm trong bao hút chân không. Ảnh: Bizmedia

Nhà máy nấm Kinoko Thanh Cao đặt tại tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội với số vốn đầu tư 3 triệu USD (70 tỷ đồng).

Toàn bộ nhà xưởng trồng nấm kim châm rộng khoảng 3.000 m2, bao gồm khu vực trôn nguyên liệu, các phòng cấy giống, cào bề mặt, nuôi trồng, ra nấm, đóng gói… Hàng chục sản phẩm khác nhau gồm nấm tươi và khô đang được cung cấp ra thị trường. Sang giai đoạn 2, năng suất có thể tăng gấp đôi, lên 3 tấn mỗi ngày. 

Nhà máy do chị Dương Thị Thu Huệ (quê gốc ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) sáng lập và quản lý bằng nguồn tiền đi vay. Trước khi bắt đầu với nghề nấm kim châm, chị Huệ có 10 năm kinh nghiệm trồng nhiều loại nấm khác nhau như linh chi, sò, rơm, mèo (mộc nhĩ). Ngoài ra, còn làm phiên dịch viên cho nhiều công ty Nhật Bản.

Chị phân tích, sản xuất nấm kim châm tại Việt Nam có 3 lợi thế: nguồn nguyên liệu trồng nấm (phế phẩm nông nghiệp) sẵn có; nhân công rẻ; sản phẩm tươi, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển. Nhận thấy tiềm năng này, chị Huệ quyết tâm trồng nấm kim châm tại quê nhà.

Nghề phiên dịch viên giúp chị Huệ có cơ duyên tìm kiếm các đối tác Nhật Bản khi bắt tay vào làm nấm. Người phụ nữ này mất đến 3 năm để thuyết phục đối tác ngoại đồng ý chuyển giao công nghệ trồng nấm kim châm. Họ đòi hỏi chủ doanh nghiệp Việt phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trồng nấm, am hiểu đối thủ, thị trường và nắm được tiềm năng đầu ra của sản phẩm.

Chị Huệ cho biết, nấm kim châm sinh trưởng tốt ở 5-8 độ C, đòi hỏi điều kiện nhiệt, ẩm, dinh dưỡng khắt khe, vốn đầu tư nguyên liệu, nhà xưởng lớn. Đây là nghề rủi ro cao, nên trong nước ít cơ sở đầu tư, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Thị trường sản xuất nấm kim châm vẫn còn bỏ ngỏ, khoảng 90% được nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Năm 2016, chị mạnh dạn vay vốn xây dựng nhà máy trồng nấm kim châm Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vùng đất này có nhiều thuận lợi như khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao quanh năm, môi trường chưa chịu tác động nhiều bởi hoạt động công nghiệp. 

Quy trình trồng nấm kim châm tại Mỹ Đức 

Nhà máy đặt tại vùng thưa dân cư, được rào kín, thuận lợi giao thông, không chịu tác động của tác nhân ô nhiễm như bãi rác, bệnh viện, khu công nghiệp…

Nấm được trồng trong phòng kín, môi trường được kiểm soát kỹ lưỡng về nhiệt độ, độ ẩm, pH. Trước khi bước vào khu vực sản xuất, công nhân đều phải xịt khử trùng bằng cồn, bắt buộc đeo khẩu trang, găng tay, mũ trùm để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào.

Giá thể trồng nấm gồm các phế phẩm nông nghiệp như lõi ngô, cám ngô, cám gạo, khô đậu tương, bã củ cải đường. Chất thô chiếm 35%, cám dinh dưỡng 65%, giúp nấm sinh trưởng tốt. Chúng được xử lý, khử trùng, khử khuẩn, trộn đều. Sau khi đóng vào lọ trồng, lọ sẽ được đưa vào buồng hấp khử trùng lần nữa.

Khi ra sản phẩm, nấm được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm định kỳ 6 tháng mỗi lần. Công ty còn gửi mẫu nấm sang Nhật kiểm tra với chi phí 500.000 USD mỗi lần. Theo chị Huệ, mức phí lớn nhưng khẳng định được chất lượng nấm kim châm trồng tại Việt Nam, mở đường cho hướng đi xuất khẩu trong tương lai.

Chị Huệ hi vọng nhà máy trồng nấm kim châm sẽ trở thành mô hình chuẩn để nhiều người trong nghề đến tham quan, và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những cơ sở có nhu cầu học hỏi. 

"Khi được tận mắt quan sát, nhận thấy mô hình này hiệu quả, mang lại lợi nhuận, mọi người sẽ học tập để cùng làm. Nhiều người làm thì mới hạ được giá thành xuống và không cần nhập khẩu nấm từ Trung Quốc. Người tiêu dùng được dùng sản phẩm tươi ngon trong nước", chị Huệ chia sẻ.


Xuất khẩu rau quả sang Nhật: Tăng trưởng nhanh nhưng còn khiêm tốn Xuất khẩu rau quả sang Nhật: Tăng trưởng… 5 loại trà không làm từ lá chè 5 loại trà không làm từ lá chè