Tin nông nghiệp Nước ta là nước nông nghiệp sao chúng ta lại phải nhập nhiều thế?
Tin nông nghiệp Nước ta là nước nông nghiệp sao chúng ta lại phải nhập nhiều thế?

Nước ta là nước nông nghiệp sao chúng ta lại phải nhập nhiều thế?

Tác giả Diệu Thùy, ngày đăng 02/08/2016

Nước ta là nước nông nghiệp sao chúng ta lại phải nhập nhiều thế?

Đó là trăn trở của ông Lê Bá Lịch- chuyên gia nông nghiệp cao cấp, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Ông Lịch cho biết, những tồn tại của chăn nuôi Việt Nam xuất phát từ hệ thống tổ chức, chỉ đạo ngành chưa chặt chẽ từ trên xuống cơ sở. Ngành chăn nuôi chúng ta thời gian qua đã bộc lộ nhiều tồn tại.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật tưởng đơn giản nhưng nghiên cứu trong nước chưa đáp ứng, phải nhập khẩu như khô dầu đậu tương 5 triệu tấn, ngô 6-7 triệu tấn, các phụ gia nhập 100%, kháng sinh và vitamin cũng nhập 100%. Thức ăn chăn nuôi nhập ngoại 60 – 65%.

Cụ thể trong năm 2014, Việt Nam phải nhập khẩu 11,7 triệu tấn nguyên liệu trị giá 4,8 tỷ USD. Trong đó hơn 60% là giá trị nguyên liệu thức ăn giàu đạm (bột cá, khô dầu đậu tương…), khoảng 40% thức ăn giàu năng lượng (ngô, lúa mì…). Ngoài ra nhập hàng vạn tấn cỏ họ đậu alfalfa dùng nuôi bò sữa.

“Nước ta là nước nông nghiệp sao chúng ta lại phải nhập nhiều thế?” – ông Lịch bức xúc. Theo ông, chúng ta không có lợi thế về cây đậu tương nên phải nhập khẩu nhưng không thể nào chấp nhận bờ biển dài, xuất khẩu cá mà phải đi nhập bột cá từ Nam Mỹ.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi chưa phát huy tối đa lợi thế sinh thái của từng vùng phù hợp phát triển gia súc, gia cầm. Đây là trách nhiệm tổ chức sản xuất, bố trí quỹ đất chưa hợp lý.

“Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận suốt đời nhập thịt bò, sữa, trong khi gạo ế, xuất khẩu thấp, đường không cạnh tranh được, dưa ấu ế…mà để thiếu thịt đỏ như bò, dê, trâu, tiêu thụ nội địa thiếu nghiêm trọng phải nhập bò sống về giết mổ, không lẽ hàng năm cứ chi hàng tỷ đô la nhập thịt bò, thịt gà, nội tạng về tiêu thụ nội địa mãi mãi”, ông Lịch đặt vấn đề.

Theo ông, nếu tái cơ cấu ngành chăn nuôi không xác định đúng hướng và tổ chức đầu tư sản xuất chăn nuôi không hợp lý, quyết liệt thì ngành chăn nuôi sẽ bế tắc.

Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5- C49 Bộ Công An cũng cho rằng Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng sản xuất manh mún, lạc hậu, thiếu liên kết. Ngành nông nghiệp hiện nay ngoài gạo, một số rau quả xuất khẩu còn lại cơ bản là nhập khẩu.

“Ví dụ như ngô và một loạt sản phẩm khác đều nhập khẩu vào để sản xuất thức ăn. Mang tiếng là nước nông nghiệp nhưng chúng ta đâu có chủ động được. Phân bón cũng nhập khẩu nhiều, các loại, trong đó nhập từ thị trường Trung Quốc chiếm 90%. Giống cây con cũng phải nhập từ bên ngoài, các sản phẩm phục vụ nông nghiệp đều phụ thuộc từ bên ngoài”, Đại tá Thông lo lắng.

Ông cho biết, hiện nay còn có một số dạng nhập giống cây con về không qua kiểm dịch mà qua đường tiểu ngạch và lực lượng chức năng có kiểm tra nhưng không xuể vì đã có cung thì có cầu. Trong nước thiếu, bên ngoài lại thừa, giá rẻ thì tất yếu dẫn tới tình trạng trên.

Có thời kỳ cá tầm nhập ở biên giới vào giá chỉ 70.000/kg nhưng về tới Hà Nội 300.000/kg hoặc gà thải loại 16.000 đồng/kg về bán 60.000 đồng/kg. Dư lượng kháng sinh cao nhưng giá rẻ nên dân mình vẫn ăn. Lợi nhuận như vậy nên mới có trường hợp sử dụng cả xe sang như xe Camry để chở gà.

Đại tá Thông cũng cho biết, trong công tác phối hợp đấu tranh, lực lượng chức năng cũng phát hiện một loạt doanh nghiệp sản xuất phân vô cơ, hữu cơ vi phạm.

Hiện nay phân vô cơ do Bộ Công thương quản lý, phân hữu cơ do Bộ Nông nghiệp. Có nhiều cơ quan quản lý trong khi cả phân hữu cơ và vô cơ chất lượng đều không đảm bảo, đăng ký một đằng nhưng làm một nẻo.

Thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật toàn sang chiết đóng gói. Không chỉ thuốc bảo vệ thực vật mà một lượng lớn phân bón, thuốc kháng sinh cũng được nhập qua đường tiểu ngạch nên không thể quản lý được.

Theo ông, được sự chỉ đạo của Bộ Công An và Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua hai bộ đã phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát không chỉ chất cấm mà còn cả thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, vật tư trong nông nghiệp.

Nhờ đó, người tiêu dùng, người trực tiếp chăn nuôi có phần nhận thức được các vấn đề, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là thịt lợn đã khá đảm bảo an toàn.

“Tôi nói khá an toàn vì đâu đó vẫn còn những chất khi test thử vẫn lên nhưng khi kiểm định thì những chất này không còn. Thật sự kỳ lạ. Dù cơ quan chức năng đã cố gắng tìm ra nhưng đành chịu, vẫn còn 1 số vấn đề”, ông Thông cho biết.

Ông Thông đánh giá công đoạn lưu thông sản phẩm cũng là khâu cực kỳ nan giải: “Thực vật thì hoá chất ngâm tẩm, động vật thì bơm nước…đủ các loại trên đời mà nó lắt nhắt xảy ra nhiều nhất ở nông thôn, sản xuất nhỏ lẻ, không kiểm soát được hết”.

Do đó Đại tá Phan Mạnh Thông cho rằng nếu chúng ta không chủ động được từ giống tới vật tư nông nghiệp thì vấn đề ATTP hết sức nan giải.

“Các bộ ngành cùng đồng tâm hiệp lực để hành động cố gắng trong vòng 10-20 năm để có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng”, ông Thông nhấn mạnh.

Còn ông Ngô Bá Lịch cho rằng nếu chúng ra không kiểm soát VSATTP chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Nếu không quản lý tốt chẳng khác nào người dân chúng ta đang tự sát vì hàng ngày phải sử dụng những sản phẩm không an toàn. Trong tương lai, dù có yêu Việt Nam đến mấy người ta vẫn đi mua sản phẩm của nước ngoài tuy đắt nhưng an toàn.


Bệ phóng giúp nông dân Phù Cát vượt khó Bệ phóng giúp nông dân Phù Cát vượt… Gặp vị thủ lĩnh hội không chém gió suông Gặp vị thủ lĩnh hội không chém gió…