Tin nông nghiệp Nuôi ấp chim cu, nghề công phu nhưng thu rất khá

Nuôi ấp chim cu, nghề công phu nhưng thu rất khá

Tác giả Chu Hồng Châu, ngày đăng 01/08/2016

Nuôi ấp chim cu, nghề công phu nhưng thu rất khá

Nghề chơi lắm công phu

Cu gáy được xem là loài chim nho nhã, điềm đạm, hiền lành, có sức khỏe dẻo dai lại dễ chăm sóc, thức ăn đơn giản, vì vậy nuôi chim cu gáy ít tốn kém, ít phải lo bệnh tật. Dòng chim này lại có những tiếng gù, tiếng gáy đặc trưng mà người nuôi phân loại theo nhiều giọng khác nhau, tiêu biểu như giọng đất (thổ), giọng kim, giọng thổ pha đồng, giọng kim pha đồng, hay “bổ lèo” (cách gọi số lần gù của chim cu trong một lần gáy: lèo ba, năm,  bảy).

Thường người mới chơi không chú ý tới âm sắc của chim mà chỉ chọn con thấy khách là gù. Những con chim này thường được nuôi từ chim non nên chóng thuần, nhưng tiếng gù rất đơn điệu. “Thợ” chơi cu gáy thì khác, họ chỉ chú trọng âm sắc của chim. Chim gáy có giọng thổ đồng, thổ gầm, thổ rền bao giờ cũng cao giá hơn. Khi chọn được con có âm sắc vừa ý, họ còn theo dõi xem lúc gáy tiết tấu (“bổ lèo”) ra sao. Ngoài ra, người chơi còn thường chọn chim cu theo hình dáng như mỏ giang, cườm dày, đầu xanh, phao xám, thân hình bắp bi...

“Hiện tôi bán 500.000 đồng/đôi chim cu nhỏ, với chim già, giá trên dưới 1 triệu đồng/đôi.

Ông Nguyễn Quang Trung

Là người đã có gần 30 năm nuôi chim cảnh các loại, ông Nguyễn Quang Trung (57 tuổi) cũng rất đam mê vẻ hiền lành, tiếng gù đặc trưng của loài cu gáy. Ông Trung cho biết, nếu như trước đây, nuôi cu gáy là thú chơi của những người lớn tuổi thì giờ đây rất nhiều người trẻ chơi chim cảnh đều có một đôi cu gáy trong bộ sưu tập của mình. Bằng kinh nghiệm lâu năm, ông Trung nhận thấy chim cu gáy thường sống từng đôi, một trống một mái, gắn bó chung thủy trong lãnh thổ riêng của mình.

“Sau một thời gian nuôi, tôi thấy loài chim cu gáy có cách sinh hoạt, tha rác làm tổ, tìm kiếm thức ăn, ấp trứng, bón thức ăn cho con… giống như chim bồ câu, do vậy tôi đã mạnh dạn ghép đôi, làm lồng ấp cho chim mái, theo dõi quá trình ấp trứng và nở con. Những lứa đầu tiên, chim ra ràng mạnh khỏe nên tôi quyết định xây dựng khu nuôi ấp tập trung và đã cho kết quả rất tốt. Sau đó tôi bắt chim non ra chăm sóc riêng theo từng lứa để xuất bán” - ông Trung chia sẻ.

Làm bạn với chim

Những năm gần đây, chim cu gáy ngày càng hút dân chơi dẫn tới cu Gáy trong tự nhiên đang giảm dần số lượng. Nhận thấy có thể nuôi ấp được cu gáy, từ 10 năm trước, ông Trung đã đầu tư hơn 30 triệu đồng làm một khu nuôi có diện tích 100m2, quây kín lưới thép, trong khu nuôi ông thiết kế hồ nước, trồng nhãn, vải, làm lồng cho chim ấp… để giúp chim có điều kiện sống như ngoài môi trường tự nhiên.

Ông Trung cho biết, từ trước tới nay người ta nuôi chim cu gáy trong lồng nan hình quả đào, thoạt trông có vẻ đơn sơ, nhưng càng ngắm càng đẹp. Thân lồng nửa dưới to, trên nhỏ, diện tích chỉ đủ để chim gáy xoay. Nuôi loại lồng này chim chóng thuần và tiện mang xách. Theo những người nuôi chim lâu năm thì chim gáy không ưa lồng rộng, chim hay giật mình nhảy toác đầu, lâu thuần hóa. Vì vậy nên ban đầu ông chỉ ghép thử vài đôi, sau một thời gian thấy chim phát triển bình thường, đẻ trứng, ấp nở và chăm sóc con như bồ câu nên mới mạnh dạn mua thêm con giống về ghép đôi.

Khu vực giáp biển các tỉnh Nam Định, Thái Bình là nơi có giống cu gáy với giọng “thổ” chuẩn nên ông Trung thường tìm mua chim bố mẹ ở những vùng này. Giờ đây, ông Trung đang sở hữu hơn 200 đôi chim bố mẹ, luân phiên đẻ trứng và ấp nở chim non. Sau khi nở khoảng 1 tuần, ông bắt chim non ra khu lồng chăm sóc riêng, nuôi theo từng lứa, lúc này chim mẹ sẽ đẻ lứa tiếp theo, bình quân 45 ngày/lứa.

Theo ông Trung, để nhận biết chim trống, chim mái, cách đơn giản nhất là quan sát xem nếu chim ra hết lông và có cườm thì con nào gáy giọng to rõ, đảo giọng liên tục là chim trống, con mái gáy giọng nhỏ trầm hơn và thường không đảo giọng, chỉ gù khi muốn làm tổ. Một cách nhận biết khác là con nào đứng trong lồng đuôi cụp xuống đất là chim trống, còn chim mái thường thấy đuôi song song với thân hình; con nào khi nghe chim khác gáy mà cứ đi trong lồng, không gáy đáp lại là chim mái…

Người nuôi chim cu gáy cũng cần phải biết “xem tướng” chim. Theo đó, chim cu mà đuôi vót (bắp đuôi lớn, chót đuôi nhỏ) mới là con chim tốt và khôn. Chim có gián cánh (có lông trắng ở trên một cánh hay cả hai cánh) cũng là chim tốt, nên chọn nuôi. Chim có móng trắng gọi là bạch đề: chỉ cần có một móng trắng hay nhiều móng trắng, là con chim quý hiếm. Chim trống có mỏ đỏ, là chim sát thủ, rất dữ, chọn làm mồi mang đi bẫy rất hiệu nghiệm. Nhưng theo ông Trung, quan trọng nhất vẫn là tiếng gáy “bổ lèo” của mỗi con chim.  “Hiện tôi bán 500.000 đồng/đôi chim cu nhỏ, với chim già, giá trên dưới 1 triệu đồng/đôi. Vì luôn có chim con rời ổ theo lứa nên nguồn cung của tôi đều đặn, khách hàng chủ yếu ở Hà Nội, Hòa Bình và các tỉnh lân cận” - ông Trung cho hay.

Cách chọn mua chim cu gáy

Quan trọng nhất là nhìn tổng quát, chim nên đứng thẳng, lưng dọc, tránh chim đứng co rụt, lưng song song mặt đất. Mỏ: độ dài và độ cong vừa phải, chim mỏ cong hay phá thóc và thức ăn trong cóng, lại nhìn không đẹp. Đặc biệt nên chọn chim có mũi lớn, chim sẽ khỏe và bền hơi hơn.

Đầu: nhọn (như đầu rắn) chim sẽ dữ và khôn hơn, tránh chim trán vồ và cao, chim hay nhát, hay sợ chim ngoài. Ngoài ra nên chọn chim mắt vàng lửa, chim này có tính khí hung hăng hơn, mau thuần hơn.

Cổ: Cổ phải cao, chim sẽ gáy lớn tiếng. Cườm: cườm trắng phải nhỏ (thường gọi là cườm cám), đóng dày (chim này siêng gáy, bền hơi). Ức: nên xẹp, không nên căng tròn. Cánh: nên xếp gọn, dài quá phao câu (chim cực khỏe, lông đẹp), lông mao càng nhỏ càng tốt. Đuôi: cuống đuôi lớn, dài, thường người nuôi hay cắt lông đuôi cho khỏi vướng. Cẳng chân: Nên thấp (mau thuần, chim ít nhảy), vảy khô đỏ (càng khô chim càng dữ).


Gặp vị thủ lĩnh hội không chém gió suông Gặp vị thủ lĩnh hội không chém gió… Tân Bộ trưởng chia sẻ khó khăn của ngành nông nghiệp Tân Bộ trưởng chia sẻ khó khăn của…