Nuôi Ba Ba Thu Lợi Nhuận Cao
Nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lại khá cao. Đó là nhận định của những hộ dân nuôi ba ba xã Cần Đăng (Châu Thành – An Giang). Đây được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả của địa phương…
Từ hai bàn tay trắng, ông Trương Văn Te, ngụ ấp Cần Thuận, xã Cần Đăng đã trở thành triệu phú nhờ nuôi ba ba. Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà và 1 công đất ruộng, ông xây dựng bồn nuôi ba ba hơn 5 năm nay. Ngoài việc bán ba ba thịt cho thương lái, ông còn cung cấp ba ba giống với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/con.
Hàng năm, gia đình ông thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ bán ba ba thịt và ba ba giống. Ông phấn khởi khoe, cuối năm trước, gia đình ông xuất bán 3.000 con ba ba thịt, giá bán từ 120.000 – 320.000 đồng/kg (tùy loại), trừ đi tất cả các chi phí, gia đình ông bỏ túi trên 100 triệu đồng.
Nhờ nuôi ba ba mà ông có tiền sửa lại căn nhà khang trang hơn và có thêm vốn để đầu tư mở rộng diện tích, tăng số lượng ba ba nuôi.
Là người tiên phong nuôi thử nghiệm và nhân rộng mô hình ở địa phương, ông Trương Văn Te cho biết, hơn 5 năm trước, qua tìm hiểu trên báo đài, nhận thấy nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông lặn lội đến tận Bình Dương bắt 450 con ba ba giống về nuôi. Do chưa biết rành cách nuôi lại thiếu kinh nghiệm phòng, trị bệnh nên số lượng ba ba chết nhiều khiến ông bị lỗ vốn.
Tuy thất bại nhưng quyết không bỏ cuộc, vừa tìm hiểu kỹ thuật trên sách, báo vừa tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở các địa phương lân cận, ông tiếp tục thả nuôi 500 con ba ba.
Kết quả, số lượng ba ba chết đã giảm hẳn và ngày một phát triển tốt khi thu hoạch, đem về lợi nhuận cho gia đình trên 30 triệu đồng. Thấy “ngon ăn”, ông tiếp tục xây thêm bồn để phát triển mô hình này.
Tuy là người đầu tiên áp dụng hiệu quả mô hình nuôi ba ba nhưng ông Te không hề giấu giếm kỹ thuật mà rất sẵn lòng hướng dẫn cho bà con xung quanh.
Ông chia sẻ: “Ba ba rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư cũng nhẹ nhàng. Chỉ cần cho chúng ăn đầy đủ, vệ sinh bồn sạch sẽ thì không đáng lo ngại. Nguồn thức ăn cũng rẻ, dễ tìm, như: Ốc bươu vàng, thức ăn thủy sản, cá tạp xay nhuyễn…
Ba ba là loài rất chậm lớn và ăn ít nên chỉ cần cho ăn một hoặc hai lần trong ngày là đủ. Đặc biệt, cần phải thay nước thường xuyên và tránh để dư thức ăn thừa trong bồn, giữ nguồn nước không bị ô nhiễm, ba ba mới mau lớn và ít bệnh. Ngoài ra, để ba ba có chỗ nghỉ và phơi nắng, người nuôi cần phải đóng vỉ tre hay bó chà cho xuống ao”.
Nuôi khoảng 1 năm thì ba ba cái có thể đẻ trứng, đồng thời, người nuôi cũng có thể bán ba ba thịt. Ba ba nuôi khoảng 4 -5 tháng, đạt trọng lượng từ 350 – 400gram thì tách riêng con đực và con cái cho vào bồn khác để nuôi thúc lớn. Bên cạnh đó, ông tuyển lại các con khỏe để nuôi đẻ.
Với lợi thế dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên mô hình nuôi ba ba ngày càng phát triển ở địa phương. Anh Trần Anh Kiệt, ngụ ấp Cần Thuận, đầu tư xây dựng 3 bồn, thả nuôi khoảng 500 con ba ba.
Theo tính toán của anh, nếu giá ba ba ổn định từ 130.000 – 300.000 đồng/kg, gia đình có thể thu về lợi nhuận trên 30 triệu đồng/năm. Anh Kiệt chia sẻ: “Nuôi ba ba “sướng” hơn nhiều so với nuôi heo, gà, vịt... Hiện nay, thịt ba ba được rất nhiều người ưa chuộng nên đầu ra luôn ổn định. Nhờ nó, cuộc sống gia đình tôi cải thiện hơn trước nhiều lắm”.
Anh Võ Duy Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cần Đăng cho biết, toàn xã có hơn 20 hộ nuôi ba ba, với khoảng 50 bồn. Thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, đồng thời phối hợp các ngành chức năng thường xuyên tổ chức dạy nghề, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi ba ba cho bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ