Mô hình kinh tế Nuôi ba ba thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao tại Hậu Giang

Nuôi ba ba thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao tại Hậu Giang

Tác giả Thái Dương, ngày đăng 22/06/2021

Nuôi ba ba thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao tại Hậu Giang

Thấy nghề nuôi ba ba có triển vọng, nhu cầu thị trường cao, ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ tại ấp Tân Hưng 2, xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, quyết tâm học hỏi. Bước đầu, ông Tuấn đã thành công với mô hình nuôi ba ba thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2018, ông mạnh dạn đào 4 ao với diện tích 4.000 m2 mặt nước, bắt đầu thả nuôi ba ba. Ông cho biết nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, thịt ba ba được rất nhiều người ưa chuộng nên đầu ra luôn ổn định.

Theo kinh nghiệm của ông Tuấn, muốn nuôi ba ba thành công, trước khi thả nuôi phải phơi ao, rắc vôi bột để diệt sạch mầm bệnh. Đa phần người nuôi ba ba trong ao đất thất bại vì số lượng thất thoát nhiều trong lúc nuôi. Vì vậy, trong quá trình nuôi phải lót tôn xung quanh ao và dùng tôn bao bọc thêm vòng ngoài để tránh ba ba đào hang đi nơi khác. Nguồn nước ao phải thay thường xuyên để tránh ô nhiễm, rắc vôi bột để hạn chế phèn, diệt khuẩn, sát trùng, hạn chế mầm bệnh. Chủ yếu cho ba ba ăn thức ăn công nghiệp, có lượng đạm cao, mỗi tuần cho ăn bổ sung cá biển, xương cá thát lát… giảm chi phí thức ăn. Đối với ba ba 2 tháng tuổi, mỗi ngày cho ăn 2 lần, 4 tháng trở đi chỉ 1 lần/ngày.

Ông Tuấn cho biết, ông thường bán ba ba thịt loại 1 (từ 1,4 kg/con trở lên) khoảng 320.000 đồng/kg; loại 2 (từ 1,2 – 1,4 kg/con) giá 240.000 đồng/kg; loại 3 (từ 1 – 1,2 kg/con) giá 180.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn bán ba ba giống với giá từ 2.500 – 3.000 đồng/con. Vụ nuôi năm 2020 gia đình ông thả nuôi 16.000 con giống, xuất bán 2.100 kg ba ba thương phẩm và 3.000 con giống, ông thu lãi trên 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Huỳnh Long, Tổ kỹ thuật xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ cho biết: Có thể thấy, nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định nên mô hình nuôi ba ba của ông Tuấn đã được nhiều hộ trong và ngoài xã tham quan học tập. Để ba ba trở thành đối tượng nuôi phát triển kinh tế hộ thoát nghèo, làm giàu, Tổ kỹ thật xã Tân Phú đã tăng cường hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu nuôi tiếp cận các kênh tín dụng để có vốn đầu tư; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất; tạo điều kiện cho các hộ có khả năng chuyển sang các vùng quy hoạch sản xuất tập trung xa khu dân cư để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.


Tiên phong trồng hoa Đà Lạt công nghệ cao, thu tiền tỷ Tiên phong trồng hoa Đà Lạt công nghệ… Nâng cao thu nhập nhờ nuôi ốc bươu đen lấy trứng tại Hậu Giang Nâng cao thu nhập nhờ nuôi ốc bươu…