Mô hình kinh tế Nuôi Ba Ba Trong Hồ Xi Măng

Nuôi Ba Ba Trong Hồ Xi Măng

Ngày đăng 13/02/2015

Nuôi Ba Ba Trong Hồ Xi Măng

Nhờ nuôi ba ba trong hồ xi măng, ông Vương Vĩnh Chót ở ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân (An Giang) đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Từ việc nuôi dê không thành công, gia đình ông Chót bỏ công tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chuyển sang nuôi ba ba.

Ông Chót kể: "Trước đây, thấy việc nuôi dê lâm cảnh bấp bênh, anh tôi là ông Vương Vĩnh Lợi sang Thái Lan, Malaysia tìm hiểu mô hình mới. Nông dân bên ấy nuôi ba ba thành công từ việc xây dựng hệ thống ao nuôi rất khoa học. Vì thế, mấy anh em tôi quyết định hợp sức để làm".

Để có được trang trại với 24 hồ nuôi ba ba như hiện tại, gia đình ông Chót mất thời gian, công sức, vốn liếng đầu tư hơn 10 năm trời.

Ông Chót cho biết: "Để chuyển sang đầu tư ba ba, chúng tôi sang bằng mặt liếp xây 2 hồ xi măng 40 m2 thả nuôi 50 con ba ba bố mẹ (40 cái, 10 con đực) với số tiền gần 30 triệu đồng. Một phần kỹ thuật áp dụng từ kinh nghiệm nuôi dê và bỏ thời gian học hỏi thêm kỹ thuật nuôi thông qua sách, báo. Chính vì vậy, hơn 2 năm sau, đàn ba ba đã tăng lên 6.000 con".

Tuy nhiên, đầu năm 2005, đàn ba ba của ông gặp “đại dịch” do bệnh tụ huyết trùng nên thua lỗ hàng chục triệu đồng.

Không từ bỏ quyết tâm, anh em ông Chót đã quyết định gây dựng lại sự nghiệp từ việc mở rộng diện tích, học hỏi thêm kỹ thuật và chỉ hơn 1 năm sau trại nuôi ba ba cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Chót bộc bạch: “Mô hình nuôi ba ba của tôi phát triển đỉnh điểm nhất là vào năm 2006, thời gian đó mỗi năm, xuất bán 4 lần ba ba thương phẩm với giá bán 320.000 - 380.000 đ/kg và 20.000 con giống (5.000 - 10.000 đ/con) đem lại nguồn thu nhập trên 800 triệu đồng”.

Nối tiếp đà thành công, mỗi năm hồ nuôi ba ba của lão nông này mở rộng từ 2 - 4 hồ và đến nay số hồ đã tăng lên 24 cái.

Nói về hiệu quả và kinh nghiệm nuôi ba ba, ông Chót chia sẻ: "Nuôi ba ba nên chăm sóc kỹ, thay nước thường xuyên trong 6 tháng đầu. Hồ được thiết kế có máng để thay nước sau mỗi ngày cho ăn. Ba ba nuôi 6 tháng tuyển ra con đực và con cái. Tỷ lệ nuôi lý tưởng là 4 con cái, 1 con đực.

Mực nước trong ao dao động từ 1,5 - 1,8 m, đáy hồ dơ sẽ dùng vôi để xử lý. Nguồn thức ăn chủ yếu là cá biển. Trước khi xay cho ăn được ngâm qua nước sôi để tiệt trùng. Mỗi ngày nên cho ăn 2 lần. Ba ba nuôi từ 14 - 15 tháng đạt trọng lượng 1,5 kg/con.

Xây dựng hồ xi măng có máng ăn nên sau mỗi ngày việc vệ sinh, thay nước rất dễ dàng, còn diện tích mặt nước trong hồ thì đến 1 tuần mới thay nước một lần nên tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Ngoài ra, việc nuôi trong hồ xi măng tỉ lệ hao hụt con giống rất thấp, dịch bệnh được kiểm soát dễ dàng mà hiệu quả cao hơn rất nhiều. Sau 14 tháng nuôi, ba ba đạt trọng lượng 1,5 kg/con thay vì 1,2 - 1,3 kg so với việc nuôi hồ đất.

Hồ ba ba của ông Chót được xây dựng hoàn toàn trên bờ nên rất chủ động cho việc cấp và thoát nước. Ngoài ra, đáy hồ được cho một lớp cát 6 phân để cơ thể ba ba được làm sạch, không bị đóng rong nên lớn nhanh.

Tận dụng nước thải nuôi ba ba để cung cấp nước cho 8 ha ruộng lúa của người dân nên chi phí cho việc thay nước của gia đình ông Chót không phải tốn.

Hiện tại, với diện tích 2.000 m2 (24 hồ) ông Chót thả nuôi 8.000 con ba ba thương phẩm, 500 con bố mẹ (trọng lượng 2,5 - 3 kg) để cho sinh sản. Do để nguồn hàng cung ứng quanh năm và được giá nên ba ba thương phẩm đạt loại 1 (trọng lượng 1,3 - 1,5 kg/con) mới xuất bán, cho nguồn lợi nhuận rất cao.

Vừa rồi, xuất 350 kg với giá 280.000 đ/kg. Tính ra, mỗi năm ông Chót xuất bán 2 lần ba ba thịt khoảng 1 tấn với mức giá từ 260.000 - 280.000 đ/kg, 20.000 con giống với giá 10.000 đ/con, trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa cho biết: Mô hình nuôi ba ba của ông Chót là mô hình công nghệ cao và cho hiệu quả lớn. Đầu ra cho sản phẩm ổn định hơn so với cá tra và một số loại thủy sản khác. Bồn nuôi xây dựng trên nền đất thuận lợi cho việc cung cấp và xử lý nước nên không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Đây là mô hình hiệu quả, tuy nhiên phải tốn nhiều chi phí đầu tư nên diện tích nuôi ba ba của toàn xã chỉ 5.000 m2. Trong thời gian tới địa phương sẽ kiến nghị cấp trên hỗ trợ để một số hộ nghèo trên địa bàn có điều kiện tham gia cùng nuôi ba ba.


Hội Nghị Bàn Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Giống Cá Tra Hội Nghị Bàn Giải Pháp Nâng Cao Chất… Đón Tết Trên Biển Đón Tết Trên Biển