Tin thủy sản Nuôi cá chẽm ở Bali

Nuôi cá chẽm ở Bali

Tác giả Dũng Nguyên - Theo InternationalAquaculture, ngày đăng 06/02/2018

Nuôi cá chẽm ở Bali

Không cần tốn kém đầu tư công nghệ cao, nhưng PT Phillips, trại nuôi cá chẽm lớn nhất Tây Bắc đảo Bali vẫn có thể tạo nguồn cung dồi dào và bền vững với sự tham gia của cả cộng đồng cư dân địa phương tại Indonesia.

Nuôi cá chẽm ở Bali được chú trọng về chất lượng sản phẩm   Ảnh: CTV

PT Phillips Indonesia thuộc Phillips Foods, một doanh nghiệp thực phẩm lâu đời của Mỹ với hơn lịch sử 103 năm hình thành và phát triển. Lựa chọn Bali Indonesia để xây dựng trại nuôi cá chẽm châu Á là một sự đầu tư sáng suốt của công ty này vào lĩnh vực thủy sản. Cam kết mang lại sản phẩm chất lượng, từ Bali, PT Phillips Indonesia đã đưa sản phẩm cá chẽm châu Á ra khắp thị trường toàn cầu.

An toàn sinh học

Theo Troy Keast, quản lý trại nuôi của PT Phillips Indonesia, con giống sạch bệnh, nguồn thức ăn sạch và chất lượng là hai tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất quyết định sự thành công của cả trại nuôi. Tại hệ thống nuôi cá của Phillips, nguồn nước cấp cho trại giống đi qua một kênh dẫn bằng trọng lực trước khi được bơm vào hệ thống chứa nước. Trên đường tới bể nuôi, nước được khử clo trước khi chuyển qua hệ thống lọc cát và than củi. Độ mặn của nước là 30 ppt và nguồn cung nước ngọt lúc nào cũng dồi dào. Một hệ thống nuôi cá chẽm chỉ cần đơn giản như vậy nhưng an toàn sinh học luôn được đặt lên hàng đầu nên tỷ lệ sống của cá giống rất cao. Tính trung bình, tỷ lệ sống của ấu trùng cá chẽm có trọng lượng từ 75 g/con khi chuyển sang bể ương đạt tới 90%.

Hoạt động của trại giống cá chẽm trên cạn phải tuân thủ theo một chương trình quản lý sức khỏe vật nuôi cực kỳ nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu dịch bệnh. Bước đầu tiên của chương trình quản lý này là tiêm vaccine cho cá khỏe mạnh bằng Streptococcus Strep-Si. Hai tuần sau đó, cá được tiếp tục tiêm lại vaccine Irido-V. Cả hai loại vaccine này đều được cung cấp bởi hãng MSD. Trang trại Phillips có một đội đảm nhận việc tiêm vaccine cho cá với hiệu suất làm việc lên đến 10.000 con/ngày. Sau khi tiêm, cá được nuôi dưỡng ở trại giống tới khi đạt trọng lượng gần 75 g/con.

Tại trại ương, Phillips cũng thực hiện chương trình quản lý sức khỏe vật nuôi để ngăn chặn sự xuất hiện của các vật ký sinh gây bệnh cho cá. Ở giai đoạn này, cá được cho ăn thức ăn chức năng do Protec và Skretting sản xuất. Trại nuôi Phillips cũng thường xuyên thử nghiệm thức ăn nhằm giúp cá vượt qua các yếu tố gây sốc. Tại Bali, nhiệt độ vào giữa năm sẽ xuống dưới 270C nên dịch bệnh có cơ hội xuất hiện trên cá bị stress, đặc biệt là ở điều kiện nhiệt độ thấp hơn. Theo Troy, cá giống khỏe mạnh quyết định một vụ nuôi thành công.

PT Phillips sử dụng lồng nuôi tròn do Indonesia sản xuất (Aquatec) với chất liệu lưới bằng sợi tổng hợp Kikko giúp ngăn chặn cá thoát ra ngoài hoặc sự xâm nhập của các loài ăn thịt rất hiệu quả. Phillips có 18 lồng cá thương phẩm, cách bờ biển khoảng 1 km. Hiện, trại nuôi này đủ khả năng tự chủ nguồn cung con giống với mục tiêu 500.000 cá bột/năm.

Lộ trình bền vững

Trại nuôi Phillips được vận hành theo những kỹ thuật cực kỳ đơn giản nhưng vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Troy chia sẻ: “Chúng tôi sử dụng kỹ thuật đơn giản ở tất cả các giai đoạn nuôi, thậm chí cả khi thu hoạch. Hệ thống trang ương, nuôi đều tận dụng tối đa đội ngũ lao động địa phương tới hơn 50 người. Ngoài ra, trang trại cũng thực hiện song song các dự án cải thiện đời sống cộng đồng cư dân, cung cấp cá giống và hướng dẫn người dân tự nuôi cá”.

Troy cho biết, hoạt động mang tính công nghệ cao nhất của trại nuôi này chính là giai đoạn làm sạch lưới bằng máy bán tự động (hệ thống thường gặp trong các lồng nuôi cá hồi ở châu Âu). Lưới được làm sạch trung bình 5 tuần/lần. Việc vận dụng kỹ thuật phức tạp, công nghệ cao là điều đơn giản và không còn xa lại với các cơ sở nuôi cá của các nước phát triển; tuy nhiên, làm thế nào để nuôi cá hiệu quả, không tốn kém chi phí đầu tư công nghệ quá hiện đại để người dân địa phương có thể tham gia sản xuất mà vẫn đảm bảo năng suất hiệu quả mới là mục tiêu phát triển lâu dài của PT Phillips.

Hiện, PT Phillips đã hợp tác chặt chẽ với hãng thức ăn Skretting để đảm bảo nguồn cung thức ăn chất lượng cho trại ương và trại nuôi thương phẩm. Trang trại này cũng chú trọng tới nguồn thức ăn có giá trị lipid cao hơn mà không sẵn có tại Indonesia hiện nay. Ngoài ra, trang trại cũng hợp tác với Viện Nghiên cứu nuôi biển Gondol (GRIM) trong Dự án R&D để giám sát chất lượng nguồn nước xung quanh trại nuôi. Những dữ liệu phân tích này cực kỳ quan trọng, giúp cho việc quản lý lồng nuôi trên biển thuận tiện và hiệu quả hơn.  

>> PT Phillips Indonesia bắt đầu dự án nuôi thử nghiệm cá chẽm vào năm 2008 nhưng tới năm 2010 mới nuôi thương phẩm. Năng suất ban đầu chỉ 100 tấn/năm; tới nay trại nuôi có 18 lồng, năng suất 1.000 tấn/năm. Trại nuôi thương phẩm cung cấp ra thị trường sản phẩm cá chẽm tối thiểu 3 kg trong thời gian 18 - 20 tháng.


Kỹ thuật nuôi cá chiên trong lồng cho người dân phát tài Kỹ thuật nuôi cá chiên trong lồng cho… Triển vọng từ chọn tạo thành công tôm bố mẹ Triển vọng từ chọn tạo thành công tôm…