Nuôi cá chẽm vùng nước lợ
Nguồn nước sạch, ít dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao là những ưu điểm từ mô hình nuôi cá chẽm lồng ở khu vực cửa biển Cửa Lở của nhiều hộ dân tại xã Đức Lợi (Mộ Đức).
Ông Bùi Mật, thôn An Chuẩn, xã Đức Lơi được xem là người tiên phong áp dụng mô hình nuôi cá chẽm nước lợ gần khu vực cửa biển Cửa Lở.
Làm giàu từ cá chẽm
Trước kia, khu vực Cửa Lở vẫn thường được người dân địa phương ví nôm na như bãi đất hoang. Bởi theo họ, từ trước giờ người dân ở vùng cửa biển này chỉ sống nương nhờ vào sông để đánh cá, đi lờ mỗi ngày; còn những chủ tàu thuyền có công suất lớn hơn thì vươn khơi bám biển đánh bắt thủy, hải sản; việc nuôi cá lồng bè nơi cửa biển chưa ai nghỉ đến.
Thế rồi, 2 năm nay, ông Bùi Mật (60 tuổi), thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) là người đầu tiên trong xã mạnh dạn mang mô hình này thực hiện nuôi thí điểm tại địa phương. Ông Mật bỏ thời gian đi tìm mua lại những lồng bè củ của các hộ nuôi ở Bình Sơn - Đức Phổ; học hỏi kinh nghiệm chăm sóc từ họ rồi nhập giống về nuôi. Sau thành công từ vụ nuôi thử nghiệm đầu tiên vào năm 2018, đến nay ông Mật đã phát triển được 15 lồng, nâng tổng số lượng cá thả nuôi lên đến 15 nghìn con, chủ yếu là cá chẽm (cá vượt) có giá trị kinh tế cao.
Ông Mật cho biết: "Ngày đầu, khó khăn vì thiếu vốn, lại chưa đủ tự tin trong kĩ thuật chăn nuôi, chăm sóc nên gia đình chỉ đầu tư được 2 lồng cá, với khoảng 3.000 con giống (kích cỡ 5cm/con). Sau 5-6 tháng thả nuôi, kích thước của cá đạt 0.8-1kg/con. Hiện tại, với mức giá bình quân 60 nghìn đồng/kg, thì với 10 tấn cá/2 vụ, sau khi trừ chi phí gia đình lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm".
Cá chẽm là loại cá thường sống ở vùng ven biển và ở khu vực cửa sông, nơi có sự giao thoa nước mặn và ngọt. Hơn nữa, đây là giống cá có giá trị kinh tế cao. Do đó, người nuôi phải chọn cá giống được khai thác tự nhiên, hoặc giống được phát triển trong môi trường nước lợ. Với những người nuôi có kinh nghiệm như ông thì có thể chọn cá giống nhỏ, loại 2.500 nghìn đồng/con cho đỡ chi phí ban đầu. Còn muốn "chắc ăn" thì chọn cá loại lớn hơn, có giá bán từ 5-7 nghìn đồng/con giống để nuôi", ông Mật phân tích.
Cũng theo ông Mật, từ tháng 10 đến tháng 5 âm lịch hằng năm là thời điểm thuận lợi để nuôi cá lồng trên cửa biển. Bởi, thời gian này ít mưa, nước không biến động nhiều, độ mặn ổn định nên giảm thiểu được tình trạng cá nhiễm bệnh, sốc nhiệt. Thức ăn của cá chẽm chủ yếu là nguồn thức ăn sẵn có như các loại cá tạp, tôm, cua nhỏ nên khi nuôi công việc chăm sóc không mấy khó khăn.
Nhân rộng mô hình
Từ thành công của gia đình ông Mật, nhiều người dân trong vùng cũng mạnh dạn đầu tư nuôi cá chẽm lồng bè ở khu vực Cửa Lở. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lợi Phạm Thị Thúy Vân, cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, nghề nuôi cá lồng bè ở khu vực Cửa Lở bắt đầu phát triển và thu hút nhiều hộ dân tham gia. Đến nay, trong xã khoảng trên 5 hộ nuôi với hơn 50 lồng, thả nuôi duy nhất giống cá chẽm và đã chứng minh được đây là nghề phù hợp với điều kiện tư nhiên, đem lại thu nhập khá cao cho người dân địa phương”.
Gia đình ông Đặng Mây, thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi (Mộ Đức) cũng thành công với mô hình nuôi cá chẽm nước lợ. Bắt đầu từ năm 2019, đến nay ông Mây đã có 10 lồng bè cá, duy nhất giống cá chẽm. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, sau khi trừ chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, công lao động, mỗi năm, ông Mây lãi khoảng 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với nghề đánh bắt cá ven sông để bán trước đây.
Ông Mây chia sẻ, nếu so với nuôi cá cá diêu hồng, cá bớp, nuôi cá chẽm ít rủi ro hơn vì chúng có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường và các loại thức ăn. Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh thì khả năng phát triển nuôi cá ở đây rất tốt. Thu hoạch vụ này xong, tôi sẽ tiếp tục thả cá cho vụ sau".
Bình quân mỗi năm, nghề nuôi cá lồng ở xã Đức Lợi cho sản lượng khoảng 30 tấn, với doanh thu trên 1,2 tỉ đồng. Để nghề nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao như hiện nay, hội nông dân xã cũng đã nhiều lần tổ chức các lớp tập huấn giúp người nuôi cá lồng nắm vững hơn về kỹ thuật nuôi, các biện pháp phòng bệnh. Thông qua các lớp tập huấn, các hộ nuôi cá lồng càng tự tin hơn về hướng đi mới này và nhiều người đã mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi, đem lại hiệu quả rõ nét.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Văn Tiến, cho biết: "Mô hình nuôi cá chẽm nước lợ trên cửa biển dễ thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế khá nên từ vài hộ ban đầu, đến nay, xã Đức Lợi đã có gần 10 họ nuôi với sô lượng bè lên đến trên 50 lồng. Đặc biệt, nhiều hộ trước đây làm nghề thả lưới ở sông, thu nhập bấp bênh, nay đã mạnh dạn chuyển sang nuôi cá chẽm lồng và thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi mỗi năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ