Cá chình Nuôi Cá Chình Dễ Mà Hiệu Quả Cao

Nuôi Cá Chình Dễ Mà Hiệu Quả Cao

Ngày đăng 08/03/2014

Nuôi Cá Chình Dễ Mà Hiệu Quả Cao

Cá chình là loại thủy đặc sản cao cấp. Nó có thịt ngon, giá trị dinh dưỡng rất cao và còn là một vị thuốc.

Trên thế giới, giá cá chình dao động từ 60-100 USD/kg. Người dân những nước láng giềng của ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác đều rất mê cá chình. Tuy giá cá chình cao ngất ngưởng nhưng thị trường mua bán vẫn rất sôi động. Riêng ở Nhật Bản, mỗi năm phải nhập thêm hàng chục ngàn tấn cá chình.

Cá chình có nhiều loài khác nhau (trên thế giới có tới 20 loài). Riêng ở Việt Nam, có một số loài cá chình có giá trị cao như: Chình mun, chình bông, chình nhọn, chình Nhật Bản... Chúng có kích cỡ khác nhau, có con dài tới hơn 1m và nặng tới cả chục kg.

Cá chình có một quá trình sống khác lạ. Cả cuộc đời của nó sống ở ao đầm, các con sông, suối nước ngọt, nhưng tới mùa sinh sản, nó dứt khoát phải trở lại với biển khơi để sinh đẻ. Dù đang ở thượng nguồn sông, nó cũng tìm đường để về với biển khơi dù cách cả nghìn km. Chúng thường hẹn hò nhau ở những vùng biển nhất định, và kéo nhau về đó để giao tình. Ở chỗ ấy thường sâu tới 300-400m, độ mặn lên tới 35 phần nghìn và nhiệt độ hạ xuống 16-17 độ C. Mỗi con có thể đẻ từ vài trăm tới 1-2 triệu trứng.

Sau khi trứng nở, cá bột tìm vào các cửa sông và sống trôi nổi ở đó. Tới khi thành cá con, chúng đi sâu vào các ao đầm, sông, suối và sinh sống ở đó. Chúng ưa nhiệt độ từ 18-33 độ C và độ pH ở vùng nước ngọt là 6,8-7,3. Tới khi trưởng thành, nó lại tìm về với biển khơi để sinh sản.

Gần đây, nông dân nhiều địa phương đã bắt đầu nuôi cá chình. Nuôi loài cá này dễ mà hiệu quả kinh tế lại cao, ít rủi ro. Tuy nhiên, thức ăn của chúng đòi hỏi phải có hàm lượng đạm cao.

Ta có thể tổ chức nuôi cá chình trong ao, hồ, trong lồng hoặc trong bể ximăng. Với ao hồ nuôi cá chình, đòi hỏi phải tẩy, dọn sạch sẽ, tu sửa bờ và các cống cấp, thoát nước, loại bỏ các chất độc hại, mầm bệnh và các loại địch hại. Ta tháo cạn nước, rắc vôi và phơi đáy cho tới khi nứt chân chim mới cho nước vào. Đường nước vào phải có lưới lọc để ngăn cá lạ và địch hại. Bón thêm phân chuồng hoai mục để tạo màu cho nước.

Do cá chình chưa sản xuất được giống nhân tạo nên chúng ta phải tìm mua của những người đi vớt cá con. Tránh mua phải cá do dùng xung điện để bắt. Cá khỏe là những con có da bóng, nhiều nhớt, không dị hình và không mang bệnh tật. Cỡ cá từ 100-200gr/con là tốt nhất. Nên thả thưa, trung bình 1m2/con.

Cá chình thích ăn thức ăn tươi sống và có thể ăn được thức ăn phối chế. Các loại giun, ngao, ốc và cá tạp là món chúng ưa thích nhất. Đối với thức ăn phối chế, ta phải đảm bảo hàm lượng protein từ 40-50% trở lên. Phải có chất kết dính và có chất dẫn dụ để lôi cá tới ăn.

Nên cho chúng ăn vào sáng sớm và chiều mát. Phải đảm bảo thức ăn vừa đủ lượng, vừa đủ chất, tránh thừa hoặc thiếu thức ăn. Nên quy định chỗ cho ăn và đảm bảo cho ăn đúng giờ. Phải giữ môi trường nước ở pH từ 7-8,5, hàm lượng ôxy từ 30miligam/lít trở lên và nhiệt độ 25-28 độ C.

Cá chình ít bệnh và khả năng thích nghi cao. Do đó, nuôi cá chình là một nghề cần được nhân rộng.


Nuôi Cá Chình Trong Hồ Xi Măng Nuôi Cá Chình Trong Hồ Xi Măng Kỹ Thuật Nuôi Cá Chình Trong Hồ Xi Măng Kỹ Thuật Nuôi Cá Chình Trong Hồ Xi…