Tin thủy sản Nuôi cá đĩa đỏ thương phẩm

Nuôi cá đĩa đỏ thương phẩm

Tác giả Minh Phương, ngày đăng 23/04/2018

Nuôi cá đĩa đỏ thương phẩm

Hiện nay, nuôi cá cảnh được nhiều nông dân TPHCM quan tâm, vì vừa giải trí vừa có thêm thu nhập cho người nuôi. 

Nuôi cá đĩa đỏ thương phẩm

Trong sản xuất nông nghiệp, nuôi cá cảnh có nhiều ưu điểm như: diện tích đầu tư không lớn, khoảng vài chục mét vuông  là có thể nuôi được; không cần nhiều công lao động; tạo sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu.

Qua khảo sát thực tế, hiện thị trường tiêu thụ cá cảnh ở TPHCM có nhiều loại khác nhau, nhưng một trong những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và thích thú là cá đĩa đỏ thương phẩm - một loài cá cảnh có màu sắc đẹp, bắt mắt, hấp dẫn người xem. Từ những đặc tính đó nên có nhiều người đến với nghề này, như hộ anh Nguyễn Văn Nam (ở khu phố 7, phường Thạnh Xuân, quận 12) - người thu lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng từ nghề nuôi cá đĩa.

Anh Nam chia sẻ: “TPHCM là nơi có khí hậu ấm áp, nguồn thức ăn cho cá đĩa tươi sống, dồi dào. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá cảnh, đặc biệt là cá đĩa. Hiện tổng đàn cá của gia đình tôi có khoảng 4.000 - 5.000 con với nhiều kích cỡ khác nhau, khoảng 2 ngày tôi xuất một hồ (70 - 80 con, kích cỡ trung bình 7cm - 8cm/con). Nhờ vậy, tôi thu nhập ổn định và có điều kiện nuôi 2 con ăn học tốt hơn (hiện con gái lớn của anh đang học đại học và con trai út đang học trung cấp)”.

Anh Thái Văn Hiếu (ngụ ấp Bến Lò 1, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề nuôi cá đĩa, mỗi tháng anh lãi trung bình 8 - 9 triệu đồng. Anh Hiếu nói: “Tôi đến với nghề từ năm 2006, khi ấy thích lắm nên tự tìm tòi nghiên cứu nuôi. Sau này, được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, tôi càng thêm say mê và gắn bó với nghề nuôi cá đĩa”. 

Qua ghi nhận từ các hộ nuôi cá đĩa, đây là một trong những nghề phù hợp với quá trình đô thị hóa của TPHCM, khi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, lao động nông nghiệp bị dư thừa. Nhưng để phát triển tốt, khi nuôi cá đĩa, các hộ nên tìm hiểu kỹ về kỹ thuật nuôi cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ đi trước.

Nói như anh Nguyễn Văn Hoàng (ngụ số 46/9F ấp 1, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) - người có hơn 10 năm tuổi nghề: “Nghề nuôi cá đĩa nhẹ nhàng, nhưng muốn thành công thì cần phải có niềm đam mê, tỉ mỉ và cẩn thận. Bởi, quá trình nuôi đòi hỏi người nuôi phải chăm chút từng chi tiết nhỏ của cá từ lúc còn là cá bột, nhằm phát hiện sớm các bệnh để phòng ngừa và kịp xử lý, tránh bệnh lây lan. Thức ăn chính của cá chủ yếu là tim bò, trùn chỉ. Chế độ ăn phải phù hợp với từng loại theo từng giai đoạn. Với những hộ mới bắt đầu nuôi, nên nuôi số lượng ít, 1 - 2 con cá mẹ và 1 - 2 hồ cá bột, để tập dần thói quen, kinh nghiệm, cũng như dễ xử lý nếu cá bị bệnh. Sau đó mới mở rộng mô hình lớn hơn, tránh tình trạng bị thất bại do chưa có kinh nghiệm thực tế”.


Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 25% Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 25% Nuôi cua đồng thương phẩm ở Bố Trạch Nuôi cua đồng thương phẩm ở Bố Trạch