Tin thủy sản Nuôi cá hồng Mỹ bằng thức ăn công nghiệp

Nuôi cá hồng Mỹ bằng thức ăn công nghiệp

Tác giả Hà Châu, ngày đăng 17/01/2022

Nuôi cá hồng Mỹ bằng thức ăn công nghiệp

Đây đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chủ động trong nguồn thức ăn, giảm áp lực đối với việc khai thác nguồn cá nhỏ để làm thức ăn cho cá, giảm thiểu ô nhiễm đáy ao nuôi giữ được môi trường ao nuôi sạch, cá lại phát triển tốt.

Mô hình nuôi cá Hồng mỹ tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Mừng

Chuẩn bị ao nuôi

Lựa chọn các ao nuôi có diện tích dao động 2.000 – 5.000 m2 để thả nuôi. Cần gia cố bờ ao thật chắc chắn và giữ cho bờ ao cao hơn mức nước tối thiểu 30 cm.

Đối với ao mới: Sau khi xây dựng phải rửa chua 3 – 5 lần, rải vôi khắp đáy, phơi từ 10 – 20 ngày. Lượng vôi bón vào phụ thuộc vào độ pH của đất đáy ao: pH 6 – 7 dùng 300 – 600 kg/ha; pH 4,5 – 6 dùng 600 – 1.000 kg/ha; pH 3 – 4,5 dùng 1.000 – 1.800 kg/ha.

Đối với ao cũ: Do sau mỗi lần nuôi, đáy ao tích tụ nhiều vật chất hữu cơ nên trước khi thả cá đợt nuôi tiếp theo cần phải xử lý đáy như sau: Nên trồng rong biển luân phiên giữa các vụ nuôi cá. Trước khi nuôi cá bón 200 – 300 kg vôi/ha. Nếu lớp bùn thối dày 5 – 15 cm thì vét loại bỏ lớp bùn trên của đáy ao bón vôi với lượng từ 200 – 300 kg/ha rồi phơi 10 – 15 ngày. Có thể dùng chế phẩm sinh học phân hủy nhanh các chất hữu cơ tồn đọng và các xác động vật chết ở đáy ao… hạn chế các vi sinh vật gây bệnh.

Diệt tạp và gây màu: Nước lấy vào được lọc qua lưới mịn với mực nước khoảng 0,8 – 1 m. Dùng Saponin 10 – 15 kg/1.000 m3 nước để diệt tạp hoặc sử dụng các loại vôi và phương pháp sử dụng để diệt tạp, làm tăng độ pH và tăng tính đệm trong môi trường ao nuôi.

Lắp đặt và sử dụng quạt nước

Vị trí lắp quạt nước cách bờ 3 – 5 m hay cách chân bờ 1,5 m sao cho tạo được dòng chảy gom các chất thừa, cặn bã vào giữa ao để dễ dàng xiphong, đưa ra ngoài. Nếu bọt nước tập trung vào giữa ao là lắp quạt đúng. Khoảng cách giữa 2 cánh quạt 60 – 80 cm, lắp so le nhau.

Tùy theo hình dạng ao mà bố trí hệ thống quạt phải đảm bảo nhu cầu ôxy cho cá nuôi và gom chất cặn bã vào giữa ao. Số lượng máy sử dụng trong ao tùy thuộc vào mật độ, diện tích ao và khả năng đầu tư.

Thời gian vận hành: Nguyên tắc thông thường: mở vào lúc buổi trưa trời nắng, sáng sớm lúc trời mưa âm u mở liên tục, trời nóng bật cả đêm, thời kỳ cuối vụ nuôi thâm canh mật độ cao bật 24 tiếng. Khi gây màu nước: Có thể bật 1 – 2 tiếng mỗi trưa. Số lượng khởi động: Thời kỳ đầu 1/3, thời kỳ giữa 1/2, thời kỳ cuối nên mở toàn bộ. Để đạt hiệu quả cao khi dùng quạt ôxy thì việc vận hành máy người nuôi cũng nên chú ý. Lúc trời lặn và thời gian từ 3 – 6h là bắt buộc, thì sau khi kiểm tra vó thức ăn cũng nên bật để làm sạch khu vực cho cá ăn. Vận tốc guồng quay phải đạt từ 80 – 85 vòng/phút.

Chọn và thả cá giống

Mùa vụ thả: Từ tháng 4 – 5 dương lịch

Chọn giống: Cần lựa chọn mua giống tại các cơ sở có uy tín để đảm bảo chất lượng con giống. Chọn cá khỏe mạnh, không dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý. Cá đồng đều, cân đối, không bị xây xát, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn. Mật độ thả: 0,5 – 1 con/m2. Cỡ giống từ 100 – 150 g/con.

Cách thả: Cho cá làm quen với môi trường nước bằng cách cho túi cá xuống ao từ 5 – 10 phút mới mở túi cho nước ao tràn vào một ít và để cá từ từ bơi ra ngoài. Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Chăm sóc và quản lý

Sử dụng thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho cá biển với 3 – 5% trọng lượng thân, ngày cho ăn 2 – 3 lần. Chia làm 2 lần cho ăn vào sáng sớm (7h) và chiều mát (17h). Cá hồng Mỹ sử dụng tốt các loại thức ăn công nghiệp đang có trên thị trường, do vậy khi nuôi giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường so với việc sử dụng thức ăn là cá tạp; đồng thời, cá hồng Mỹ giống khi cung cấp cho người nuôi thương phẩm tại địa phương sẽ ít bị dịch bệnh hơn so với cá nhập từ các tỉnh phía bắc vào do không bị ảnh hưởng bởi quá trình vận chuyển xa.

Quản lý: Kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày từ đó điều chỉnh, tránh để dư thừa thức ăn làm hỏng chất lượng nước ao nuôi. Duy trì độ sâu của nước trong ao thường xuyên ở mức 1 – 1,5 m. Luân chuyển nước trong ao hoặc quay vòng nước qua hệ thống ao trồng rong biển để tăng ôxy và giảm thiểu mức độ ô nhiễm. Thay nước mới theo định kỳ (1 tháng/lần), mỗi lần thay không quá 30%. Quan sát, đo các chỉ tiêu hóa lý theo định kỳ. Kiểm tra dịch bệnh và tình trạng sức khỏe của cá theo định kỳ. Bổ sung chế phẩm sinh học định kỳ và sau những trận mưa kéo dài.

Cá hồng Mỹ sinh trưởng nhanh, sau 1 năm nuôi thương phẩm trong ao đạt trọng lượng từ 1 – 1,3 con/kg, năng suất từ 9 – 24 tấn/ha.

Phòng bệnh

Áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp

– Làm sạch môi trường nước và ao nuôi: Nguồn nước lấy vào ao nuôi phải sạch. Trước khi thả phải cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật.

– Tăng sức đề kháng cho cá: Chọn giống phải khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không dị hình. Thường xuyên bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn. Tránh không làm cá bị sốc.

– Ngăn ngừa bệnh: Chọn con giống đã qua kiểm dịch. Tuân thủ lịch mùa vụ. Không thả cỡ cá quá nhỏ, không nên nuôi với mật độ quá dày. Định kỳ dùng vôi rải quanh bờ và xuống ao nuôi.


Ổn định hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi cá Ổn định hàm lượng ôxy hòa tan trong… Lợi ích từ ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm Lợi ích từ ứng dụng công nghệ Biofloc…