Tin thủy sản Nuôi cá lóc bông cho thu nhập khá

Nuôi cá lóc bông cho thu nhập khá

Tác giả Duy Tân, ngày đăng 16/10/2018

Nuôi cá lóc bông cho thu nhập khá

Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi cá lóc bông, mỗi năm Phan Văn Tèo (36 tuổi), Giám đốc HTX Hậu Giang Yên Bình An (ở H.Phụng Hiệp, Hậu Giang), thu lãi trên 300 triệu đồng.

Cá lóc bông trong ao nuôi của anh Tèo chuẩn bị xuất bán ẢNH: DUY TÂN

Anh Tèo kể, năm 2017 nhận thấy nguồn cá lóc bông trên thị trường luôn khan hiếm trong khi loại cá này thịt rất ngon, được nhiều người ưa chuộng nên anh bàn với gia đình và các thành viên trong HTX hùn vốn nuôi thử nghiệm.

Sau khi tìm được nguồn giống tại Đồng Tháp, anh Tèo mua 20.000 con giống về thả nuôi trong diện tích ao khoảng 500 m2. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả không cao, anh kiên trì học hỏi thêm kiến thức từ sách báo, mạng internet. Sau khoảng thời gian nuôi, anh nhận thấy cá lóc bông dễ nuôi, mau lớn, ít bị hao hụt, giá luôn ổn định ở mức cao hơn so với cá lóc đầu nhím.

Theo anh Tèo, trước khi thả cá cần phải vét bùn, cải tạo ao và hệ thống cấp thoát nước… Ao nuôi tốt nhất có độ sâu từ 2,5 - 3 m, bờ ao cao, chắc chắn, không bị rò rỉ, hang hốc. Rải vôi đáy ao, bờ ao từ 10 - 15 kg/100 m2, phơi ao 2 - 3 ngày rồi cấp nước vào. Nguồn nước cung cấp vào ao không bị nhiễm phèn và mặn, phải theo dõi nguồn nước và thời tiết để đề phòng bệnh cho cá. Thông thường, vào nước rong cá mau lớn nên cho nước vào mỗi ngày, khi nước kém thì khoảng 2 - 3 ngày thay nước ao một lần. Ngoài ra, trước khi thả cần “tắm” cá giống qua nước muối pha loãng để tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế tối đa hiện tượng cá bị sốc nước do thay đổi môi trường nước đột ngột, giúp cá hồi phục sau chặng đường di chuyển dài. Thời gian thả cá phù hợp nhất là buổi sáng hoặc chiều mát.

Để nuôi cá đạt hiệu quả, phải chọn nguồn cá giống tốt, kế đến là mồi phải sạch và đầy đủ. Từ khi thả nuôi đến dưới 1 tháng tuổi phải cho ăn thức ăn xay nhuyễn, mỗi ngày cho ăn 2 lần. Khi cá lớn dần thì cho ăn nguyên con, chủ yếu là cá tạp, hoặc cắt khúc đối với những loại thức ăn có kích cỡ lớn hoặc quá dài. “Cần phải thường xuyên kiểm tra ao nuôi để phát hiện các biểu hiện bất thường của cá như cá bỏ ăn, bơi lội không bình thường, có dấu hiệu bệnh… để có biện pháp chữa trị kịp thời. Cá lóc bông có thể mắc một số loại bệnh do các tác nhân như: vi khuẩn, ký sinh trùng, giun sán ký sinh, giáp xác ký sinh… Có thể dùng một số loại thuốc để phòng và trị bệnh cho cá”, anh Tèo chia sẻ.

Theo anh Tèo, từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch loài cá này mất khoảng 6 - 7 tháng, trọng lượng bình quân đạt 1 kg/con. Cá lóc bông thương phẩm luôn bán được giá cao, từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh Tèo thu lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh nuôi cá lóc bông, anh Tèo cùng các thành viên HTX còn trồng sầu riêng Monthong với quy mô 3 ha. Vốn khởi nghiệp là 500 triệu đồng được HTX vay từ nguồn quỹ hỗ trợ HTX của tỉnh. Loại sầu riêng này luôn bán được giá cao, trung bình 70.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, 11 thành viên HTX còn trồng xen 1.000 cây mít Thái siêu sớm, chuối và các loại rau màu khác để lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra, HTX còn làm thêm dịch vụ cung ứng cây giống sầu riêng, thu mua trái cây với doanh thu hơn 1 tỉ đồng mỗi năm.


Nuôi tôm thẻ công nghệ cao: Hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất Nuôi tôm thẻ công nghệ cao: Hạn chế… Thu nhập cao từ mô hình ương cá bớp trong ao đất Thu nhập cao từ mô hình ương cá…