Nuôi Cá Lóc Trong Bể Lót Bạt Nylon
Xử lý nước thuốc để tắm cá trước lúc thả, biện pháp tốt được anh Nguyễn Văn Bình áp dụng Thời gian qua nhiều địa phương ở các tỉnh ĐBSCL đã phát triển mạnh mô hình nuôi thuỷ sản ở nông hộ theo hình thức làm bể lót bạt nylon trên sân vườn hay dùng lưới làm vèo dưới ao, hiệu quả thu được lợi nhuận khá cao.
Chủng loại thuỷ sản thường được nông hộ chọn nuôi theo 2 hình thức nói trên là ếch, lươn, rắn ri voi và cá lóc. Loại thuỷ sản này nuôi được ở mọi thời điểm, thường một năm nuôi 2 đợt, mỗi đợt nuôi 5-6 tháng. Chi phí xây dựng mô hình rất thấp, chủ yếu là đầu tư về con giống, thức ăn. Các vật liệu còn lại đều rất rẻ.
Qua thực tế tại các mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt nylon hay vèo lưới dưới ao những hộ nuôi áp dụng có kỹ thuật, chăm sóc tốt đến lúc thu hoạch trừ mọi chi phí còn lãi hàng chục triệu đồng một đợt nuôi hơn 5 tháng chỉ với diện tích mấy chục mét vuông. Điển hình như mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt nylon của anh Nguyễn Văn Bình ở ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ - huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Theo anh Bình, hình thức nuôi này rất thuận lợi trong quản lý chăm sóc, phòng trị bệnh, cá tăng trọng nhanh và đồng đều, thu hoạch cá thịt đạt sản lượng cao.
Với diện tích đất trước sân vườn nhà chỉ khoảng 600 mét vuông, anh Bình thiết kế thành 4 bể nuôi, mỗi bể có diện tích khoảng 80 m2, bể có chiều rộng 5 mét, dài 15 mét, độ sâu mực nước 70cm – 80cm, mỗi bể anh thả nuôi khoảng 5 ngàn con giống, thời gian nuôi hơn 5 tháng tỷ lệ hao hụt trên 40%, trọng lượng cá đạt bình quân 500-600gam/con, thu hoạch bán cá thịt với giá trung bình là 30.000-35.000đ/kg. Trừ các chi phí đầu tư con giống, thuốc phòng trị bệnh, thức ăn tươi là cá biển, phối hợp cùng thức ăn công nghiệp thì cứ một bể một đợt nuôi anh đạt lợi nhuận gần 20 triệu đồng.
Để tạo điều kiện cho nông dân ở trong tỉnh phát triển rộng mô hình nuôi thuỷ sản nông hộ, khôi phục lại lượng cá nước ngọt trong tự nhiên, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã chuyển giao con giống cho nông dân 8 huyện, thị trong tỉnh thực hiện 4 mô hình nuôi thuỷ sản: mô hình nuôi cá ruộng lúa, nuôi cá trong ao vườn, nuôi cá bống tượng và mô hình nuôi cá lóc, thực hiện trên 65 điểm trình diễn; kinh phí hỗ trợ tiền mua con giống cho nông dân trên 55 triệu đồng.
Tính tới thời điểm này anh đã nuôi và bán được 3 đợt cá thịt. Tiếp tục đợt nuôi anh mới vừa thả 6 ngàn con giống, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 70% tiền mua con giống, dự tính sau 5 tháng nuôi anh thu hoạch vào dịp gần Tết, thời điểm cá luôn có giá ở mức từ 40- 45 ngàn đồng/kg.
Anh Bình cho biết cần áp dụng tốt các khâu như: phòng ngừa bệnh cá lúc mới thả bằng cách tắm cá qua nước thuốc xử lý để diệt các vi khuẩn gây bệnh…, thức ăn đảm bảo dinh dưỡng theo từng độ tuổi và sức tăng trọng của cá, nhất là cá ở giai đoạn từ 2-3 tháng tuổi trở về sau, thức ăn chế biến cho cá nên bổ sung cá biển, cua, ốc kết hợp thức ăn công nghiệp, cung cấp đủ lượng thức ăn để trách tình trạng cá lớn đói ăn cá nhỏ. Đồng thời, thường xuyên thay nước bể để hạn chế cá bị bệnh, tiêu hao lớn giảm năng suất, sản lượng lúc thu hoạch.
Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, để phát triển rộng mô hình nuôi thuỷ sản theo phương thức này, hộ nuôi cũng cần tính đến sản lượng cá thịt mà thị trường tiêu thụ lúc thu hoạch, cần chọn thời điểm nuôi thích hợp để giảm được mức chi phí đầu tư. Hộ nuôi cũng cần áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn để giảm thiểu thất thoát.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ